Những Hình mẫu trong Vũ trụ và Nguyên mẫu của Cốt cách Con người (hay Hạt Giống của Kiếp người)
Khi ta trở nên tỉnh thức hơn và có khả năng chủ động thoát ra khỏi những phản ứng tự động (hay phản ứng “có điều kiện” – những hành vi/ suy nghĩ được hình thành từ những gì đã được dạy dỗ, thực hành, lặp đi lặp lại thành thói quen kể từ bé đến giờ) trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống, là khi ta bắt đầu bớt bị khống chế bởi Bản ngã (Cái Tôi) và ngày càng tiệm cận đến bản chất thực sự của chính mình.
Những dấu hiệu cho thấy ta đang tiến hóa trên hành trình tỉnh thức:
- Khi nhận lời chỉ trích, ta bình tĩnh nhận diện cảm xúc (như sự khó chịu, giận dữ, buồn bã, bực bội, v.v.) đang bắt đầu nảy sinh trong ta (thông thường chúng sẽ xuất hiện cùng một số dấu hiệu thể chất như nhịp tim nhanh hơn, mặt nóng phừng phừng, dạ dày/ngực như cảm giác thít chặt lại...); và nhận ra có sự thôi thúc, xúi giục trong chính mình muốn ta phải phản ứng lại ngay tại thời điểm đó. Nhưng khi mà ta nhận ra được những cảm xúc đang nảy sinh và đang diễn ra trong chính mình, ta ngay lập tức chủ động dừng lại và tránh khỏi loạt phản ứng tự nhiên kéo theo đó (như: chỉ trích lại, la hét, phản kháng/ cãi lại, hoặc có những ý nghĩ xấu/ thù hằn như: nguyền rủa cho người đó biến mất, bị trừng phạt hoặc thậm chí là chết quách đi vì đã nói những điều ta không muốn nghe, v.v.), từ đó kiểm soát - không để cho dòng cảm xúc và thôi thúc phản kháng tiếp tục phát triển thành suy nghĩ và hành động.
- Ngược lại, lúc nảy sinh ý muốn chỉ trích người khác, khi những ý nghĩ/ lời nói/ hành động mang tính công kích và phán xét ấy chỉ vừa mới nhen nhóm, ta ngay lập tức nhận ra mình đang làm gì! Thay vì thả mình cuốn theo mạch cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực như: “chối quá, kinh khủng, tởm lợm, lố bịch, điên khùng… tôi ghét điều đó, sao cô ta/ anh ta lại nói vậy/ làm vậy cơ chứ…”; ta chủ đích dừng mạch suy nghĩ ấy lại, chấm dứt chúng ngay khi vừa nhận thấy chúng đang hình thành và phát triển trong mình. Thay vào đó, ta tự đặt câu hỏi cho chính mình rằng: Vì sao ta lại vừa có ý nghĩ/ lời nói/ hành động chỉ trích và đánh giá người khác? Từ sâu thẳm lòng mình, một cách thành thực nhất với chính mình thì thực chất cảm xúc và động cơ của ta là gì khi ta làm việc đó? Tại sao ta lại có những cảm xúc ấy?...
Hãy tự hỏi lòng mình, và rồi đến một ngày bạn sẽ bất ngờ nhận ra trong chính mình đã luôn có sẵn câu trả lời.
Từ ngay trong lời đáp cho những câu hỏi đặt ra cho chính mình, ta sẽ dần nhận ra rằng cách ta phản ứng, hành xử hay cách ta mong muốn được người khác đối xử đều xuất phát từ những vấn đề của chính mình chứ không phải từ bất kỳ sự kiện hay cá nhân nào khác. Những đáp án có được từ việc tự hỏi chính mình sẽ giúp ta thấu hiểu nỗi sợ hãi, đau đớn, ước vọng, ghen tị, bất an, những suy nghĩ và hành vi có điều kiện mà ta đã quá quen thuộc và bị chúng chi phối… để từ đó nhìn thấu được Bản ngã (Cái Tôi) của chính mình.
Chỉ khi ta trở nên tỉnh táo hơn và không còn để Bản ngã kiểm soát, ta mới có thể sống đúng với Sứ mệnh mà ta sinh ra để sống, ta mới có thể bắt đầu căn chỉnh và gắn kết tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống sao cho tương thích với Mục tiêu Tối thượng của cuộc đời mình - Mục tiêu của Cuộc sống mà thông qua đối diện với Nỗi sợ Cái Chết - đã phần nào hé lộ, nhưng ta chưa hiểu thấu hay chưa có can đảm và quyết tâm theo đuổi.
*** Phần tiếp theo đây nhằm giúp các bạn tìm hiểu về Những Hình mẫu trong Vũ trụ và Các Nguyên mẫu của Cốt cách Con Người (hay Hạt giống của Kiếp Người) - các khái niệm hữu ích dành cho những ai thực sự muốn nhìn thấu Ý nghĩa và Mục đích của cuộc sống này ở tầng tối thượng và sâu kín nhất trong chính mình.
Nếu sau khi nghiền ngẫm những vấn đề này, bạn vẫn chưa tìm ra Mục đích sống của mình, xin đừng bỏ cuộc! Hãy cố gắng tập trung (càng nhiều càng tốt) vào việc nhận biết và loại bỏ sự kiểm soát của Bản ngã. Hãy đọc thêm nhiều tài liệu về Bản ngã để nhìn thấu được nó. Hãy thực sự bắt đầu thực hành Thiền thanh lọc tâm trí (Tập trung vào giây phút hiện tại, loại bỏ mọi suy nghĩ rối ren trong đầu và gỡ bỏ những gốc rễ của niềm tin sai lệch) đều đặn hàng ngày thay vì chỉ vài ngày, vài tuần hay vài tháng 1 lần. Đến một thời điểm nào đó, đọc lại những chủ đề này, bạn sẽ tìm thấy thứ bạn cần và đã sẵn sàng để hiểu!***
I. Những HÌNH MẪU TRONG VŨ TRỤ
Trước tiên, ta hãy cùng nhìn vào một số hình ảnh dưới đây của những sinh vật khác nhau trong thế giới tự nhiên (hữu hình) đang tồn tại ở Vũ trụ này! Sở dĩ tôi gọi chúng là sinh vật sống bởi tất cả chúng đều đang ở trạng thái “động”, đang phát triển hoặc đang tiến hóa dù với tốc độ rất chậm hoặc rất nhanh mà mắt thường con người không quan sát được.
Như bạn thấy, “có những hình mẫu được lặp đi lặp lại vô số lần trong Tự nhiên trên phạm vi toàn Vũ trụ!” ; từ những thứ nhỏ bé hơn cả thế giới vi mô đến to lớn hơn cả thế giới vĩ mô!
Toán học hay các môn khoa học khác đều được phát hiện ra từ việc quan sát và nghiên cứu thế giới tự nhiên của các vật thể và các lực tương tác, chứ không phải là sự phát minh hay sáng tác bởi Loài người! Hãy tìm hiểu về “Tỷ lệ vàng” (The golden Ratio) làm một ví dụ!
Càng quan sát và tìm hiểu, chúng ta sẽ càng ngạc nhiên về sự tồn tại của những hình mẫu trong Vũ trụ, cũng như cách chúng hiện diện vô cùng sáng tạo và ngoài sức tưởng tượng - ở tất cả mọi nơi xung quanh ta – và kỳ diệu hơn - bao gồm chính bản thân chúng ta.
Những khám phá và tiên đề khoa học về các định luật và hành vi vật lý đã được mở rộng đến cấp độ Năng lượng và Lượng tử từ hơn một thế kỷ nay. Bạn có đồng ý rằng: có những thứ chúng ta không thể chỉ cảm nhận bằng 5 giác quan vật lý thông thường; mà rất vi tế và phi vật chất?
Chẳng hạn như Suy nghĩ. Suy nghĩ đến từ đâu trước khi chúng hiện lên trong tâm trí chúng ta? Suy nghĩ có thể được nhìn thấy, sờ thấy, nếm được mùi vị, nghe thấy hay cân đo đong đếm bằng các giác quan vật lý được hay không? - Không! Vậy nhưng chúng ta đều phải thừa nhận rằng Suy nghĩ CÓ tồn tại! dù là không ở trong bất cứ hình thái vật lý nào cả, phải không nào? (Ở đây ý tôi là khi Suy nghĩ vẫn chỉ ở dạng thức ban đầu, khi nó chưa được chuyển đổi thành bất kỳ dạng tồn tại vật lý thông qua hành động nào cả).
Nhưng vậy thì, chính xác là Suy nghĩ nằm ở đâu khi nó không tồn tại ở dạng hình thái vật lý? Trong tế bào não/ tế bào thần kinh chăng? Nếu thật là thế, thì khi tế bào não hay tế bào thần kinh của một người được ghép vào một người khác (hay một cỗ máy có thể đọc và giải mã thông tin), chúng ta sẽ biết được hết tất cả mọi suy nghĩ của một người đã từng có trong đời một cách đầy đủ và chi tiết, không thiếu một suy nghĩ nào.
Nhưng sự thật lại không phải như vậy!
Theo quan điểm khoa học, người ta cho rằng Suy nghĩ là những phản ứng điện hóa diễn ra trong não bộ. Nhưng cách lập luận này không thể giải thích được điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một con người với robot hoặc giữa người này với người khác, vì mỗi cá nhân có những suy nghĩ hoàn toàn khác nhau, thậm chí ngay cả khi đứng trước cùng một sự vật, sự việc cho dù là phản ứng điện hoá xảy ra giống nhau. Lý do là bởi: Suy nghĩ không đơn thuần chỉ là những dòng điện và phản ứng hóa học xảy ra mà không có bất kỳ nguyên nhân hay mục đích gì. Suy nghĩ thực chất nảy sinh và xuất phát từ những khao khát, niềm tin, ý muốn, mục đích sâu kín trong tiềm thức của cá nhân mỗi người, dưới sự tác động và điều hành của những mô típ của Phản xạ có điều kiện, cộng hưởng với sự thôi thúc của Bản ngã (cái TÔI) - hay chính là Ý niệm về sự tồn tại độc lập và ý niệm về chủ thể sở hữu của của hành động mà mỗi cá thể coi đó là BẢN THÂN MÌNH!
Suy nghĩ là những xung động (dao động lượng tử) của những thông tin vô hạn trong Vũ trụ dưới dạng năng lượng tiềm tàng (được lưu trữ và trôi nổi trong Vũ trụ) được tiếp nhận thông qua bộ lọc Tâm trí của một thực thể sống cấp cao (Con người). Khi đi qua Tâm trí, bộ lọc của niềm tin + những tổ hợp kinh nghiệm tích luỹ từ quá khứ + hệ quy chiếu và các phạm trù định nghĩa trong Tâm trí của mỗi người phiên dịch những xung động năng lượng này thành những dòng thông tin cụ thể, mang màu sắc và lý tưởng hoá của cá nhân (chính là Suy nghĩ như ta vẫn gọi). Sớm hay muộn những dòng thông tin này sẽ tiếp tục chuyển hoá từ cấp độ năng lượng/lượng tử ban đầu (vô hình) sang cấp độ vật lý (hữu hình) dưới dạng lời nói, hành động, sự biến chuyển sinh hoá trong cơ thể vật lý, và sản sinh ra các sự vật, sự việc như ta biết đến trong thế giới vật chất này! Dựa trên lực hút của những khát khao hoặc những lo sợ tiềm ẩn mà mỗi cá nhân (Bản ngã của mỗi người) đang mang trong mình trong từng khoảnh khắc, Tâm trí của ta có khả năng thu hút và lựa chọn bắt sóng những xung động, thông tin dưới dạng năng lượng tiềm ẩn đó và chuyển hoá nó thành trải nghiệm ở cấp độ vật lý/ hữu hình.
Ví dụ đơn giản nhất về sự chuyển hoá đó: Khi bạn nghĩ lại một sự việc đã xảy ra làm bạn khó chịu, giận dữ, bực bội (suy nghĩ này là xung động năng lượng/ thông tin tiềm ẩn bị thu hút/ bắt sóng bởi những nỗi lo sợ và khát khao của Bản ngã); khi những thông tin này được tiếp nhận bởi Tâm trí (tức là ta nghĩ lại về chi tiết của sự việc ấy), sẽ dẫn tới sự khó chịu về mặt thể chất, như tim đập nhanh hơn, hơi thở nặng nề hơn, mặt nóng hơn, đổ mồ hôi tay… rồi thậm chí bạn còn chửi bậy hay hành động mất kiểm soát trong cơn nóng giận chỉ bởi Nghĩ đến sự việc trong qúa khứ đó mà thực tế là sự việc đó đã không còn tồn tại ở thời điểm hiện tại nữa rồi.! Sự chuyển hoá này được quyết định bởi niềm tin và những định nghĩa mà ta mang trong bộ lọc Tâm trí về Đúng/Sai, Tốt/Xấu, Nên/Không nên, Dễ chịu/Khó chịu, Yêu/Ghét, vv. Chắc ai trong chúng ta cũng đều đã trải nghiệm về sự chuyển hoá từ Suy nghĩ trong đầu tới phản ứng vật lý của bản thân trong ví dụ đó. Bởi vậy, ở cấp độ Năng lượng và Tinh thần, Suy nghĩ của chúng ta (là sản phẩm của bộ lọc trong Tâm trí và những khát khao, lo sợ của Bản ngã) tạo ra chính thực tế của thế giới và cuộc sống mà ta đang trải nghiệm. Chúng ta sẽ phân tích rõ hơn về vấn đề này trong một bài viết chuyên sâu khác.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Mọi thứ, bao gồm cả chúng ta - những Con người trong thế giới hiện đại - tất cả đều bao hàm trong (hay tuân theo) các Hình mẫu trong phạm vi toàn Vũ trụ. Loài người chúng ta mới chỉ biết đến một số hình mẫu mà ta có thể quan sát được bằng các giác quan vật lý, nhưng trong thực tế có rất nhiều hình mẫu cũng tồn tại mà chúng ta không quan sát được chỉ với 5 giác quan của mình, trong đó có Archetypes - Nguyên mẫu của Cốt cách Con người hay còn có thể gọi là: Hạt giống của Kiếp Người.
Vậy thì những điều này giúp ích gì trong hành trình đi tìm Mục đích/ ý nghĩa của cuộc sống và sống một cuộc đời trọn vẹn, an yên?
Ta hãy cùng nhìn lại những hình ảnh về dải thiên hà, hệ Mặt trời và sau đó là cấu trúc của một nguyên tử.
Hãy tưởng tượng nếu một electron của nguyên tử là một hành tinh, giống như Trái đất, xoay quanh Hạt nhân Nguyên tử là Mặt trời, và trên hành tinh đó có những sinh vật bé tí hon đang sinh sống ở đó. Và bây giờ, Bạn hãy thử nhìn thẳng vào và cố gắng quan sát những sinh vật bé nhỏ đó và đồng thời tưởng tượng rằng chúng cũng đang nhìn lại bạn.
Tôi chắc rằng bạn sẽ không nhìn thấy gì, vì công nghệ ngày nay chưa phát triển đến mức giúp ta nhìn được những sinh vật nhỏ đến mức như vậy. Nhưng bạn có tưởng tượng được ra rằng Bạn Trông như thế nào đối với những sinh vật tí hon sống trên hành tinh electron ấy khi chúng đang quan sát bạn??
Chính là Vũ trụ này như những gì bạn đang nhìn thấy khi ngước nhìn lên bầu trời - một bầu trời đêm đầy sao lấp lánh, hay một bầu trời xanh thăm thẳm (vào một ngày không có quá nhiều mây)!!!
Chúng ta thực chất chính là những sinh vật siêu vi - cực kỳ bé nhỏ đó khi so sánh với phạm vi Vũ trụ rộng lớn bao la này! Dù tin hay không, chúng ta thực chất chỉ là những phần tử tí hon trong tổng hoà của những khuôn hình siêu vĩ đại. Con người chúng ta được hình thành, sinh ra và phát triển trong chính sự vận động và biến chuyển của tổng hoà những luồng chuyển động của những khuôn mẫu vĩ mô trong Vũ trụ mà ta chỉ mới biết được một phần nào về những hình mẫu này nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ và triết học trong nhiều thiên niên kỷ qua.
Điều giúp ích cho ta ở đây là: chúng ta là một phần rất nhỏ của những trật tự/ sự sắp xếp/ hay khuôn mẫu lớn hơn trong Vũ trụ, mà đó cũng chính là nguyên tắc của các bộ môn chiêm tinh học, thuật xem tướng số tử vi, thần số học, sinh trắc vân tay… Thông qua các hình mẫu đã lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử loài người và khuôn khổ không gian và thời gian (mà trong khả năng con người có thể quan sát và ghi chép được), ta có thể có cái nhìn rõ ràng hơn về mô típ hay khuynh hướng của cuộc đời mình.
Vậy nên, khi đọc các kết quả luận giải chiêm tinh từ các nguồn đáng tin cậy, bạn sẽ bất ngờ bởi chúng mô tả về mình khá đúng. Trong đó, có thể bạn sẽ tìm thấy những nội dung gợi mở cho bạn về những tài năng/ hướng đi trong cuộc sống, cũng như Mục tiêu của cuộc đời mình, những mô típ về những thử thách hay vận may trong từng giai đoạn cuộc đời… Bạn có thể đọc và coi đó như một nguồn tham khảo thú vị và hữu ích!
Tuy nhiên phải nói rõ rằng, kể cả những “báo cáo chi tiết cho từng cá nhân” khi bạn tìm hiểu về chiêm tinh, số học, xem tướng số, tử vi, sinh trắc vân tay… đều chỉ dựa trên quan sát, kinh nghiệm, tính toán khoa học dựa vào dữ liệu thu thập được từ số đông qua một khoảng thời gian nhỏ bé hữu hạn (nếu so sánh với quy mô và tuổi đời của toàn bộ Vũ trụ hay sự sống trong vũ trụ), nên những báo cáo dù nói rằng là được viết cho riêng cá nhân từng người, chúng chỉ cung cấp được cho bạn những mô tả chung về những khuynh hướng và tiên đoán chung mà thôi. Dù có dựa vào chính ngày tháng năm sinh, họ tên của từng cá nhân, nơi sinh, giờ sinh… vẫn không có bất cứ báo cáo nào thực sự đưa hết lịch sử, ký ức, hoàn cảnh gia đình, môi trường, niềm tin, nền tảng giáo dục, hay mọi chi tiết sự việc đã từng diễn ra trong cuộc đời của bạn từ khi sinh ra đến giờ - vào dữ liệu để tính toán và đưa ra kết luận được… Bởi thế chúng không phải và không thể là Bách khoa toàn thư cho Cuộc sống của bạn, mà chỉ là một nguồn tham khảo, đừng hoàn toàn dựa vào chúng hay dành quá nhiều tiền bạc, thời gian, và lệ thuộc vào chúng!
Những luận giải và dự báo mà các công cụ kể trên đem lại cho mỗi người, giống như là chúng ta được đưa cho xem một số trích đoạn của một bộ phim mà không theo dõi được nội dung một cách đầy đủ và toàn diện xuyên suốt câu chuyện đó, nên ta có thể cảm thấy thú vị, háo hức, hay bức xúc với từng trích đoạn đó, mà không thực sự hiểu câu chuyện xuyên suốt là gì, ý nghĩa của nó như thế nào, đang ở giai đoạn nào, hồi kết sẽ ra sao, vv. Để hiểu được xuyên suốt câu chuyện đó, và có được góc nhìn và cách hiểu toàn diện, đúng đắn về bộ phim cuộc đời mình, chúng ta cần đến một công cụ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về chính bản thân mình, xuất phát điểm của mình, hướng đi và mục tiêu mà chúng ta đang đi mà vì nó ta đang bước đi trên con đường này, đang trải nghiệm những gì đang diễn ra trong kiếp người này. Khi có một góc nhìn toàn diện và hiểu được hành trình của mình, hiểu được mục đích của cuộc đời, ta mới có thể vững tâm trên hành trình của mình, sống một cuộc đời trọn vẹn và chân thật nhất với cốt cách con người mình. Công cụ đó là: Những Nguyên mẫu của Cốt cách con người hay Hạt Giống của Kiếp Người.
Trong tự nhiên, bằng mắt thường chúng ta có thể thấy trứng gà sẽ nở ra gà, trứng vịt nở ra vịt (kể cả quả trứng vịt ấy có được ấp nở bởi một con gà thì vẫn sẽ nở ra vịt và lớn lên thành vịt), hạt giống cà chua sẽ nảy mầm thành cây cà chua, cho ra quả cà chua, không thể là quả ớt hay quả đậu. Vì sao một quả trứng, một hạt mầm có thể biết chính xác chúng phải trở thành thứ này mà không vô tình nhầm lẫn phát triển thành thứ khác? Điều ấy là bởi, bên trong mỗi “sinh vật sống” đều đã được mã hóa sẵn (từ trong gen) những khuôn mẫu, hình thái giống loài của chúng, và cả những điều kiện cần thiết cơ bản cần được đáp ứng để một hạt giống/ bào thai có thể sinh trưởng và phát triển theo đúng khuôn mẫu đó (như nhiệt độ, các điều kiện về thức ăn, đất, nước, ánh sáng phù hợp…)
Loài người cũng vậy. Chúng ta chứa đựng trong mình từ khi phôi thai được hình thành, những dấu ấn của các khuôn mẫu gốc (Nguyên mẫu), từ đó tạo nên hình dáng bên ngoài và xu hướng lối sống mà chúng ta sẽ phát triển thành. Trên thực tế, bạn có thể tìm hiểu về các khuynh hướng đó nhờ vào các công nghệ và phương pháp luận hiện đại ngày nay dựa trên chiêm tinh học, thần số học, sinh trắc vân tay… Thế nhưng điều khiến con người khác hẳn với những loài động thực vật cấp thấp khác, đó là chúng ta có những khát khao, mong ước thôi thúc tiềm ẩn sâu bên trong – tác động đến cảm xúc, suy nghĩ, sở thích của ta từ khi còn là những đứa trẻ, cho đến khi lớn lên, khi chúng ta tự chịu trách nhiệm, tự hành động, lựa chọn, ra quyết định trước mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống của mình (cho dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không).
Với mong ước có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc, ai trong chúng ta cũng đều muốn tìm ra Hướng đi đúng đắn và lý tưởng cho cuộc đời mình, bằng cách tìm hiểu về vận may và ẩn họa, tìm ra công việc gì, mẫu người bạn đời nào, xu hướng giáo dục nào...là đúng đắn và lý tưởng nhất. Vì vậy mà nhiều người trong chúng ta bị cuốn hút bởi bói toán/tử vi tướng số, chiêm tinh học, thần số học, các phân tích về DNA hoặc các kết quả kiểm tra sinh trắc vân tay để mong mỏi tìm ra câu trả lời: Mình là ai, sinh ra để làm gì, hướng đi lý tưởng nhất là gì… Nhưng dù là chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn/ tiên đoán thú vị về bản thân mình từ các kết quả ấy, thì cũng không báo cáo phân tích nào có thể giúp ta lý giải và hiểu được tại sao ta lại có những cảm xúc, cách phản ứng, hành xử, đưa ra quyết định trước những sự kiện diễn ra trong đời sống của chính mình, và gần như ai trong số chúng ta cũng thấy khó lý giải được vì sao chúng ta dường như bị tác động, chi phối, hay thậm chí điều khiển, dẫn dắt bởi các tác động ngoại cảnh, luôn đẩy ta trượt ra khỏi Hướng đi lý tưởng hay Vận mệnh mà theo những kết quả phân tích, bói toán tiên đoán đã nêu ra.
Để hiểu được vì sao ta lại có những hành động, quyết định, xúc cảm mà bản thân ta đã và đang chứng kiến, chúng ta cần thực sự thấu hiểu được bản thân mình, với những thôi thúc tiềm ẩn – những khát vọng, ước muốn, những nỗi sợ hãi, hay lý tưởng, ý định tận sâu trong tiềm thức, và đồng thời ta cũng cần phải nhận thức rõ được chúng ta đang ở đâu trên con đường giác ngộ và tỉnh thức, vì điều đó liên quan rất lớn tới những thôi thúc ẩn sâu trong tâm can mỗi người trong từng giai đoạn của hành trình tỉnh thức.
Bên cạnh những dấu ấn sinh học, thẳm sâu trong tâm thức mỗi chúng ta đều hàm chứa những khuôn mẫu đã khắc sâu, hay còn gọi là khuôn hình của những Nguyên mẫu của Cốt cách Con người, hay để dễ hiểu, tạm gọi là: những Hạt giống Kiếp người (Human Archetypes). Những Hạt giống ấy là vết dấu của các nguồn lực tự nhiên (natural forces)/những nét đặc trưng mang tính khí phổ quát, những khuôn mẫu và mô típ của khát khao sâu thẳm của loài người. Con người là biểu hiện vật lý của các Hạt giống Kiếp người - biểu lộ vật lý của những khuôn mẫu của khát khao ẩn giấu trong Tàng thức của nhân loại!
Mỗi chúng ta mang theo trong mình từ khi còn là phôi thai những Hạt giống kiếp người, và thường là sự kết hợp của một vài Nguyên mẫu (Archetypes) theo những tỷ lệ nhất định trong mỗi cá nhân (Ở cuối bài viết này bạn sẽ đọc về 12 Nguyên mẫu chính). Những Nguyên mẫu này được biểu hiện rõ nét và toàn diện hơn khi một người tiến hoá tới những tầng nhận thức nhất định. Thường là ở giai đoạn 3 của Hành trình Tỉnh thức, chúng ta bắt đầu cảm nhận và định hình được sơ bộ về Nguyên mẫu cốt cách này, nhưng chỉ khi ý thức tiến hoá và tích hợp vào nhận thức một cách trọn vẹn và vững chắc ở giữa giai đoạn 4, Nguyên mẫu mới thực sự biểu lộ rõ nét và toàn diện.
Tỷ lệ và cách thức kết hợp khác nhau của các Nguyên mẫu tạo nên vô số Bộ Sản phẩm Tích hợp mang tính Duy Nhất, và đó chính là Cốt cách riêng biệt của mỗi con người. Cốt cách này thực chất đã luôn được biểu lộ ra thông qua sự tương tác và trải nghiệm với môi trường sống kể từ khi ta được sinh ra, bao gồm sự tương tác với cha mẹ/ anh em trong gia đình, hay người thân, làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, người bạn đời và kể cả người xa lạ… nhưng bởi tầng ý thức bị giới hạn trong khuôn khổ của thế giới vật chất, và sự hạn hẹp trong góc nhìn của Tâm trí và Bản ngã, mà Cốt cách con người thường bị bóp méo và rối loạn. Bởi vậy mà ở giai đoạn 4 của Hành trình tỉnh thức, khi ta sống với Chân ngã (chính là Nguyên mẫu cốt cách con người mình), ta nhận thấy ta vẫn là ta, chỉ khác là những phần rối ren, những vỏ bọc méo mó đã được gỡ bỏ.
Cốt cách này vẫn bao gồm cả Mảng Sáng và Mảng Tối khi ta chưa tiến hoá đến tầng ý thức sáng tỏ ở giai đoạn 4 của Hành trình tỉnh thức. Bởi vậy ở những giai đoạn 1, 2, 3, khi ta tương tác hay tiếp nhận thông tin từ con người và môi trường xung quanh, thường thì Mảng Tối dễ chiếm lĩnh ưu thế và bộc lộ ra trong tính cách khi ta chưa đủ nhận thức và tiến hoá.
Vốn dĩ chúng ta không cần phải cố gắng vật lộn để trở thành con người mà chúng ta mơ ước/ mong muốn. Lẽ ra đó là một quá trình đầy hoan hỉ khi những nguồn lực tự nhiên dần biểu hiện/ giải phóng hình thái và bản chất tự nhiên của chúng, giống như những hạt giống nảy mầm thành cây và giải phóng khuôn mẫu di truyền để trở thành đúng giống loài của chúng, một cách đơn giản, nhẹ nhàng, miễn là chúng có đủ điều kiện cần thiết cho việc đó. Chúng ta cũng vậy, chỉ cần nhu cầu vật chất và tinh thần được đáp ứng, ta sẽ thẳng tiến trên con đường trở thành đúng “những gì ta sinh ra để trở thành”.
Nhưng thực tế, chỉ một số (thậm chí rất ít ỏi) trong số chúng ta thực sự hạnh phúc và an yên với những gì đang có, đó cũng là dấu hiệu cho thấy chúng ta không phải (chưa phải) là con người thực sự mà mình được sinh ra để trở thành. Ta mải miết khao khát kiếm tìm lối đi để trở thành một điều gì đó khác, miễn là không như hiện tại. Nhưng bản thân ta thậm chí còn chưa biết ta mong muốn hay mơ ước trở thành ai.
Ta không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống là vì những gì chúng ta Muốn trở thành thì thường lại không trùng khớp, không tương thích với những gì ta Sinh ra Để trở thành - không tương thích với Nguyên mẫu cốt cách con người mình.
Còn gì đau khổ hơn khi một hạt giống cà chua, đang lớn dần thành cây cà chua nhưng lại cứ muốn trở thành cây hoa hồng, thậm chí còn hy vọng nở ra bông hoa hồng. Nếu như nó có thể tự thay đổi vị trí, nguồn thức ăn, công việc, diện mạo… như cách con người vẫn làm, thì nó còn có thể tự “thuyết phục” bản thân rằng mình trông giống như cây hoa hồng thật ấy chứ. Nhưng chắc chắn là cây cà chua thì không nở ra hoa hồng được, nên rốt cuộc sẽ chỉ dẫn tới nỗi bất mãn và nghi ngờ chính bản thân mình.
Có hai lý do có thể gây ra sự bất mãn trong cuộc sống của con người: hoặc là vì nhu cầu cơ bản của ta không được đáp ứng, giống như một cái cây sẽ không thể sinh trưởng nếu thiếu ánh sáng hay thiếu nước; hoặc: những phiền nhiễu/rối ren/vội vã của thế giới loài người, những suy nghĩ bất tận và ảnh hưởng của số đông trong xã hội đã làm thay đổi biểu hiện ra bên ngoài của bản chất chân thật của ta, khiến ta trở nên hoang mang, lạc lõng, mâu thuẫn nội tâm, và cứ cố trở thành thứ gì đó khác, thứ mà ta “cho rằng” là tốt hơn so với hiện tại.
Hãy cùng xem xét lý do đầu tiên. Nhu cầu cơ bản mà chúng ta cần để “hạt giống” của chúng ta được tự do “nảy mầm” là gì?
Biểu đồ dưới đây được gọi là Tháp nhu cầu của Maslow. Theo lý thuyết này: “Những nhu cầu cơ bản ở phía đáy tháp phải được thoả mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu cao hơn”
Những nhu cầu thiết yếu – 2 tầng dưới cùng của Tháp nhu cầu Maslow – là những nhu cầu không thể thiếu cho sự tồn tại và hoạt động của con người. Đó chính là các nhu cầu liên quan đến yếu tố thể lý của chúng ta: thức ăn, nước uống, nơi ở, giấc ngủ, sức khỏe, gia đình, sự ổn định về xã hội (cảm giác yên tâm và an toàn, cuộc sống và gia đình không bị đe dọa hay gây tổn hại gì).
Phía trên hai tầng này là nhu cầu bậc cao – Nhu cầu về Tâm lý, bao gồm: Tình yêu và cảm giác thuộc về một nơi nào đó (như gia đình, bạn đời, bạn bè tin cậy), được học hành, giải trí, sáng tạo, thưởng thức cái đẹp, hoặc được quý trọng, có đủ tự tin và đạt được thành tựu của bản thân. Thực chất, những nhu cầu bậc cao này chỉ được đáp ứng khi tự bản thân chúng ta – về mặt tâm lý – cảm thấy thỏa mãn. Thú vị thay, điều đó có nghĩa là nhu cầu này chỉ được đáp ứng khi ta nhận định: đã đủ, đã hài lòng. Như thế nào và bao nhiêu là đủ lại do chính bản thân ta tự tạo ra định mức và tự quyết định: cảm thấy thoả mãn/ hài lòng hay chưa. Nếu tự bạn cảm thấy chưa thỏa mãn và bị mắc kẹt trong cấp độ nhu cầu bậc cao này (trong khi các nhu cầu thiết yếu đều đã được đáp ứng), hãy trở lại với chủ đề về Bản ngã, nghiên cứu nó, thực hành Thiền định và Thanh lọc tâm trí bạn sẽ nhận ra rằng: tiêu chuẩn để thỏa mãn những nhu cầu này thực chất chỉ tồn tại trong sự kỳ vọng của chính bản thân bạn.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, thật đáng buồn là vẫn có những người còn chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của họ. Đó là những người đang sống trong đói khát, những người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, bệnh tật không có thuốc men, không được khám chữa bệnh, và những người mất đi người thân, gia đình, quê hương xứ sở bởi chiến tranh hay những thảm họa tự nhiên…
Nhưng còn chúng ta, những người vốn đã được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản, lại vẫn khăng khăng ôm cái suy nghĩ rằng chúng ta còn thiếu thốn lắm, chúng ta cứ ra sức thu vén cho mình nhiều hơn nữa, nhiều hơn những gì chúng ta thực sự cần, để rồi lại ngày càng trở nên bất mãn bởi chính lòng tham và những ham muốn của mình, cứ cố gắng nuôi hy vọng rằng có thêm điều kiện vật chất sẽ khiến ta hạnh phúc hơn theo tỷ lệ thuận, mà trong khi vẫn không hiểu tại sao dù là đủ đầy rồi cũng không thực sự hạnh phúc.
Lý thuyết về Tháp nhu cầu Maslow cho ta thấy rõ ràng hơn về quá trình Tự hoàn thiện bản thân, cũng cho ta một cơ hội tự đánh giá lại xem những nhu cầu cơ bản của ta đã được đáp ứng chưa hay chúng ta chỉ đang mắc kẹt trong tham vọng của chính mình, cứ cố gắng tích lũy nhiều hơn mức cần thiết và không tự cảm thấy thoả mãn.
Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đạt tới đỉnh của Tháp nhu cầu và cảm thấy hoàn toàn hài lòng khi chúng ta đã có tất cả? - một sự nghiệp thành tựu, một ngôi nhà xinh đẹp, một gia đình êm ấm với những đứa con ngoan, những mối quan hệ bạn bè thân thiết gần gũi, đủ tiền mua những thứ ta cần, sự tự tin về cuộc sống, một địa vị cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, những buổi thưởng thức nghệ thuật, những chuyến du ngoạn... Hầu như chúng ta sẽ khá hài lòng với cuộc sống đủ đầy đó, nhưng chỉ cho đến khi một biến cố xảy đến, tước đi mất một hoặc một vài nhân tố mà dựa vào đó “Hạnh phúc” của ta đã được xây dựng nên: ví dụ thất bại trong công việc, mất nhà cửa, nợ nần, người thân yêu qua đời, lâm trọng bệnh, hoặc tới ngày ta phải đối diện cận kề Cái Chết.
Đối với những người mong muốn tìm thấy Mục đích, ý nghĩa của cuộc sống và mong muốn sống thật với chính mình, sống một cuộc đời trọn vẹn, an yên trước mọi khó khăn, thăng trầm và biến cố cuộc đời, thì dù đạt được mọi thứ trên đời về bất kỳ phương diện nào, vật chất hay tinh thần, bạn sẽ vẫn luôn cảm thấy điều gì đó “thiêu thiếu” trong cuộc đời mình cho dù bạn có được tất thảy mọi sự đủ đầy. Sẽ đến một ngày, bạn tự hỏi, rằng: Tất cả những thứ này là để làm gì? Có được chúng, hưởng thụ chúng, để rồi Chết đi? đó có phải Mục tiêu của cuộc đời mình?? Vì sao mọi thứ đều có vẻ ổn, mà mình vẫn ko cảm thấy ổn, mình không hiểu mình là ai, rốt cục muốn gì, cần gì, phải sống như thế nào để không còn cảm giác trống rỗng và vô nghĩa này??… Những câu hỏi đó sẽ không bao giờ được giải quyết, nếu như “Tiếng gọi của Linh hồn” chưa được hồi đáp, và ta chưa thật sự sống đúng với Nguyên mẫu cốt cách con người mình ở mức độ toàn vẹn nhất, chân thực nhất.
Chúng ta sớm muộn rồi sẽ đến lúc nhận ra rằng ta không chỉ sống một cuộc sống nhằm hướng tới việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất ngày càng lớn, mà quan trọng hơn, ta đã luôn khao khát chạm đến và hoàn thành được sứ mệnh của chính mình, đó là: Hồi đáp Tiếng gọi từ sâu thẳm trong Linh hồn, bước vào cuộc hành trình của Người hùng - Người chiến binh trong chính mỗi của chúng ta. Hành trình đó là gì? là: Người hùng - Người chiến binh trong chính mình Phải Thức Tỉnh, trưởng thành và tiến hoá, để qua mỗi kiếp người ta hiểu thấu những chân lý, hiểu thấu chính mình và người đời, hòa nhịp trong hành trình Tiến Hoá không chỉ của riêng mình, mà là của toàn thể muôn loài. Hành trình đó cũng đồng thời là quá trình chuyển hoá mà qua đó những Nguyên mẫu cốt cách của loài người được bộc lộ trọn vẹn và thăng hoa.
Càng sớm tiến hoá trên hành trình Tỉnh thức và càng sớm chạm đến giai đoạn sống với Chân ngã (Nguyên mẫu của kiếp người), cuộc sống sẽ trở thành chuỗi những trải nghiệm đầy ý nghĩa, trọn vẹn, và an yên trên từng bước đường.
Xin được lưu ý rằng, Chân ngã hay Nguyên mẫu của kiếp người giúp cho mỗi chúng ta sống đúng với bản chất chân thật nhất trong chính mình và cảm thấy an yên, trọn vẹn trong cuộc đời. Tuy nhiên khi tiến hoá và sống với giai đoạn 5 của tỉnh thức (những vị “phật sống” - những enlightened masters), Chân ngã không còn dấu ấn, mọi nghiệp lực, định nghĩa, giới hạn và khuôn mẫu của thế giới phân cực này không còn tác động tới họ. Họ vẫn tiếp tục sống với hình thái con người, nhưng bản chất ý thức của Bản ngã và cả Chân ngã đã hoàn toàn được chuyển hoá thành trạng thái Vô ngã. Bởi vậy bài viết này là chỉ là sự chỉ dẫn giúp những người còn đang chưa tìm thấy Chân ngã, nhằm giúp họ định hướng và sớm trở về với Chân ngã để sống một cuộc đời trọn vẹn hơn, chân thật hơn trong kiếp người nhỏ bé này. Còn đối với những người sống ở trạng thái Niết bàn (Vô ngã), những hiểu biết và hướng dẫn này không còn áp dụng vào họ!
Các nhà tâm lý và tinh thần học nghiên cứu và phát hiện ra rất nhiều hình mẫu trong tâm thức của con người. 12 Nguyên mẫu dựa trên nghiên cứu của Carl Jung và sau này là Carol S. Pearson theo tôi thấy là hữu hiệu nhất trong việc giúp cho những người đang tìm kiếm chính mình và con đường tới an yên. 12 Nguyên mẫu này hiện đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu cho việc quảng bá thương hiệu (đánh vào tâm lý/ khát khao tiềm ẩn trong khách hàng), làm phim (lôi cuốn khán giả bởi những tâm tư ẩn giấu trong tâm thức), tạo nhân vật tiểu thuyết (lôi cuốn khán giả/ độc giả hoà vào Người hùng hay nhân vật truyền thuyết trong chính mình). Và đồng thời 12 Nguyên mẫu này được tin dùng làm tài liệu tham khảo bởi những người dẫn dắt, cố vân tâm lý và tâm linh, giúp mỗi cá nhân giác ngộ, phát triển bản thể và tinh thần trong tầng ý thức của họ.
Dưới đây là 12 Nguyên mẫu với một vài nét khắc họa sơ bộ về giá trị, nỗi sợ, mục đích sống và đặc điểm tính cách riêng. Dù là đang ở giai đoạn tỉnh thức nào trong 4 giai đoạn đầu, bạn cũng có thể ít nhiều cảm nhận được những Nguyên mẫu nào thực sự phản ánh mình chân thực và rõ nét nhất. Tỷ lệ của những Nguyên mẫu đó có thể khác với nhận định của bạn lúc này, và tỷ lệ đó thường thay đổi phần nào theo quá trình tiến hoá của bạn trên hành trình tỉnh thức. Nhưng về cơ bản, bạn có thể cảm nhận và định hình được sơ bộ mình mang trong mình những Nguyên mẫu nào là chính yếu.
1. The Innocent - Người trong sáng, mộng mơ: mơ mộng, thơ ngây và thuần khiết, trung thành và lãng mạn, giản dị và trong trẻo, luôn nhìn vào điểm tích cực ở mọi người, luôn tin tưởng vào lòng tốt và những điều tốt đẹp.
- Mục tiêu: Sống hạnh phúc trong sự đơn giản, tốt đẹp.
- Nỗi sợ hãi: Bị trừng phạt vì làm sai.
- Điểm mạnh: Tin tưởng và chân thành, cởi mở.
2. The Orphan (Regular Guy): Người phụ thuộc (Hay tên gọi khác Người bình thường): Luôn muốn có cảm giác thuộc về nơi nào đó, cố gắng hòa nhập và phụ thuộc vào gia đình/ hội nhóm/ cộng đồng. Là người theo chủ nghĩa thực tế. Có thể trở nên khá tiêu cực, nghĩ rằng mình là nạn nhân của những tình huống không mong muốn.
- Mục tiêu: Hòa hợp hoặc thuộc về nơi nào đó/ ai đó.
- Nỗi sợ hãi: Bị bỏ rơi hoặc lạc lõng giữa đám đông.
- Điểm mạnh: Thực tế, hỗ trợ và kết nối với người khác.
3. The Hero (Warrior): Người hùng (hay Chiến binh): Tự tin, mạnh mẽ, quyết đoán, có dũng khí đấu tranh bảo vệ bản thân và người khác. Họ có thể cảm thấy bản thân luôn có một sứ mệnh cao cả phải hoàn thành.
- Mục tiêu: Xây dựng thế giới, bảo vệ kẻ yếu.
- Nỗi sợ hãi: Bị coi là yếu đuối hoặc hèn nhát.
- Điểm mạnh: Có năng lực, sức mạnh và lòng can đảm.
4. The Caregiver (Nurturer): Người chăm sóc (Người nuôi dưỡng): đầy sự cảm thông và lòng trắc ẩn, hào phóng, quan tâm, giúp đỡ, thường không thể từ chối người khác.
- Mục tiêu: Giúp đỡ, chăm sóc người khác.
- Nỗi sợ hãi: Bị coi là ích kỷ.
- Điểm mạnh: Lòng trắc ẩn, rộng lượng, bao dung.
5. The Seeker (Explorer): Người tìm kiếm (Nhà thám hiểm): độc lập, thích phiêu lưu, khát khao trải nghiệm những điều mới mẻ và tự do mà không bị ràng buộc, háo hức khám phá và tìm hiểu về những ý tưởng/ triết lý mới.
- Mục tiêu: Mãn nguyện nhờ sự trải nghiệm và khám phá mới.
- Nỗi sợ hãi: Bị trói buộc, hoặc mắc kẹt trong khuôn khổ.
- Điểm mạnh: Tiên phong, thú vị, háo hức, nhiệt huyết tìm hiểu, khám phá.
6. The Rebel (Outlaw) Người phá luật: nổi loạn, đặt nền móng cho sự thay đổi, muốn trở nên đặc biệt, làm được điều khác biệt phá vỡ khuôn khổ, giới hạn.
- Mục tiêu: lật ngược thế cờ, thay đổi tình thế, bứt phá và tạo ra những điều mới mẻ.
- Nỗi sợ hãi: Sự bất lực, áp đặt, bó buộc.
- Điểm mạnh: mang lại ý tưởng mới, thúc đẩy sự đổi mới, truyền cảm hứng cho người khác.
7. The Lover: Người giàu tình cảm: nồng ấm, tận tâm, lãng mạn, kết nối và sở hữu.
- Mục tiêu: sống trong mối mối quan hệ mật thiết với người mình yêu thương, hay công việc/ môi trường mà họ yêu thích.
- Nỗi sợ hãi: Không được coi trọng, không được yêu thương.
- Điểm mạnh: Đam mê, thu hút, giỏi khích lệ, giỏi ngoại giao.
8. The Creator: Người sáng tạo: Giàu trí tưởng tượng, rất nghệ sĩ, đầy tính sáng tạo, bất quy tắc, giàu ý tưởng.
- Mục tiêu: Tạo ra những điều có ý nghĩa và có giá trị lâu bền.
- Nỗi sợ hãi: Sự không hoàn hảo.
- Điểm mạnh: Sáng tạo, có tầm nhìn, có trí tưởng tượng phong phú.
9. The Ruler: Người cai trị: Là lãnh đạo, có trách nhiệm, khả năng tổ chức, có quyền lực cá nhân, muốn được kiểm soát, nghĩa hiệp, muốn giúp ích và phục vụ người đời.
- Mục tiêu: Tạo ra cuộc sống thịnh vượng, tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội.
- Nỗi sợ hãi: Sự hỗn loạn, bị phá hoại hoặc bị lật đổ.
- Điểm mạnh: Tính trách nhiệm và khả năng lãnh đạo, cai trị.
10. The Magician (Alchemist): Pháp sư (Nhà giả kim): Nhìn xa trông rộng, lôi cuốn, giàu trí tưởng tượng, liên quan tới phép thuật hoặc tâm linh, mang những triết lý và ý tưởng có tính cách mạng có thể thay đổi thế giới.
- Mục tiêu: Biến giấc mơ thành sự thật, chuyển hoá mong ước thành hiện thực, thay đổi hiện thực thành những điều kỳ diệu.
- Nỗi sợ hãi: Tạo ra những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn.
- Điểm mạnh: Chuyển hoá những trải nghiệm tầm thường hàng ngày của con người thành những điều ý nghĩa hơn, truyền cảm hứng cho sự thay đổi và mở rộng Ý thức/ Nhận thức, đưa ra những cách nhìn mới về mọi thứ.
11. The Sage (Old Wise Man): Nhà hiền triết: Có kiến thức, chu đáo, giỏi phân tích, biết cách chỉ dạy, hướng dẫn người khác, khách quan và công bằng, biết cách lắng nghe, luôn khao khát tri thức.
- Mục tiêu: Dùng trí tuệ và sự thông thái để thấu hiểu thế giới và dẫn dắt, giúp đỡ cho người đời.
- Nỗi sợ hãi: Vô tri, bị coi là ngu ngốc.
- Điểm mạnh: Trí tuệ, thông thái, ham tìm tòi, học hỏi, biết phân biệt thực hư, phải trái.
12. The Jester: Người vô ưu: Luôn vui vẻ, tận hưởng cuộc sống, có khiếu hài hước, sống tích cực, ngẫu hứng, tận hưởng từng giây phút trong hiện tại.
- Mục tiêu: Mang lại niềm vui, an lạc cho thế giới, tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.
- Nỗi sợ hãi: Bị coi là nhạt nhẽo, không được tôn trọng.
- Điểm mạnh: luôn thấy được khía cạnh tích cực của mọi thứ, dùng sự hài hước vui vẻ để tạo nên những thay đổi tích cực.
12 Nguyên mẫu này được mô tả kỹ lưỡng, tương ứng với những giai đoạn của Cuộc hành trình của Người Hùng trong cuốn sách: Đánh thức người chiến binh trong chính mình (Awaken the Heroes within - Carol S. Pearson), một cuốn sách rất đáng đọc. Tôi hy vọng trong một dịp rất gần, sẽ gặp gỡ và chia sẻ với các bạn đang đồng hành cùng “HÀNH TRÌNH AN YÊN” trong một chương trình chuyên đề để chỉ rõ bức tranh tổng thể và sự tương quan giữa Nguyên mẫu của cốt cách con người với các giai đoạn của tỉnh thức của người chiến binh trong mỗi người xuyên suốt qua nhiều kiếp người. Trong bức tranh tổng quan đó, những công cụ như chiêm tinh học, thần số học, vv. có thể được sử dụng và tích hợp ra sao, nhằm mục đích gì, và những phương pháp thực hành nào có thể là những công cụ đắc lực giúp cho mỗi chúng ta thêm vững vàng và đúng hướng trên hành trình của mình. Nếu bạn thực sự quan tâm đến chuyên đề này, hãy comment ở cuối bài viết hoặc gửi email đến ban quản trị để nhận được thông báo về chương trình chuyên đề này!
Hiện tại với những phác họa trên, bạn có thể tìm hiểu thêm và đọc thêm các nguồn thông tin về Nguyên mẫu của Cốt cách Con Người (Human Archetypes). Hãy thành thật với bản thân mình! Dành thời gian tìm hiểu, cởi mở trong suy nghĩ và niềm tin, đầu tư tâm sức để cảm nhận được sự có mặt của các nguyên mẫu đang hiện diện bên trong bạn một cách thành thật nhất. Hãy chân thực đối diện với chính mình để đánh giá xem Nguyên mẫu nào nói lên được đúng tính cách, những mong muốn sâu kín nhất, những nỗi lo sợ của bạn, thay vì lựa chọn hình tượng mà bạn muốn trở thành, hoặc chối bỏ những gì bạn thấy không muốn mang trong mình! Chỉ có chính bản thân bạn mới trả lời được cho mình rằng bên trong mình có sự hiện diện mạnh mẽ của những Nguyên mẫu nào và Mục đích sống Cốt lõi nhất của mình là gì!!. Kể cả tôi hay ai đó nói cho bạn nghe, bạn cũng sẽ không tin vào những lời nói ấy, và không thấy được những điều người khác nói là thật hay chân lý. Chỉ có sự trải nghiệm và tìm kiếm bởi chính bản thân bạn mới giúp cho bạn đúc rút ra chân lý và niềm tin thật sự - cho bạn!
Từ việc nhìn ra những Nguyên mẫu hiện diện trong chính mình, bạn sẽ tìm thấy và hiểu rõ về Mục đích Sống của cuộc đời mình. Tuy nhiên, giữa việc “Biết phải sống thế nào” đến việc “thực sự Sống thế nào” dưới tôn chỉ của Mục đích Sống tối thượng của bản thân thì vẫn còn một khoảng cách rất xa.
Để sống một cuộc sống trọn vẹn theo đúng Mục đích Sống của mình, bạn sẽ cần phải: Gỡ bỏ những định kiến sai lầm trong nhận thức, “Chữa lành” những tổn thương và hiểu nhầm trong tâm hồn đã hằn sâu từ thời thơ ấu và tích hợp mảng tối trong chính mình để thực sự tha thứ và bứt phá ra khỏi tầng Ý thức Nạn nhân (mời các bạn lắng nghe bài giảng giúp hiểu đúng về ”chữa lành” ở mục Videos trên Facebook page), đồng thời Thanh lọc và quán sát được Tâm trí và sự kiểm soát của Bản ngã ở tất cả các giai đoạn của Hành trình này. Khi những công việc này đạt đến một mức độ thành công nhất định, bạn sẽ trải qua giai đoạn trải nghiệm Cái chết của Bản ngã (khi mất đi mọi điểm tựa mình từng dùng để định nghĩa sự tồn tại của mình), để trải nghiệm Sự phục sinh của Chân ngã.
Hành trình này sẽ kéo dài bao lâu?? Điều đó còn tùy thuộc vào việc bạn đang ở đâu trên con đường tỉnh thức của bản thân, bạn dành bao nhiêu tâm huyết, nỗ lực, sự tập trung và ý chí cho việc hiểu thấu và thức tỉnh để trưởng thành và tiến hoá về bản thể và tinh thần... Nhưng hãy luôn nhớ rằng, Bạn luôn luôn có sự hỗ trợ và thấu hiểu! Bởi hành trình của cá nhân bạn cũng chính là Hành trình của Sự Tiến hóa chung của muôn loài trong phạm vi toàn Vũ trụ! Thiết yếu! và Tất yếu!
Và bên bạn, sẽ luôn có HÀNH TRÌNH AN YÊN – chia sẻ, đồng hành, thấu hiểu và yêu thương!
_Athena_
I love you, thank you.