top of page

Hãy chia sẻ bài viết này để giúp cho những thông điệp và chân lý đến được với nhiều người hơn!

Cảm ơn bạn đã đóng góp vào kiến tạo một xã hội mới đầy thấu cảm, an yên và yêu thương!

 

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA TỈNH THỨC - Những dấu hiệu nhận biết và thử thách thường gặp trên từng giai đoạn.

Bạn có thể coi những chỉ dẫn về tính chất của từng giai đoạn dưới đây như một chiếc la bàn giúp định hướng hành trình của mình, để bớt hoang mang, vô định, hiểu mình, hiểu người, và đi đúng hướng hơn.

Giai đoạn 1: TÔI mơ hồ trong những giả định về chính mình

Ta bắt đầu có cảm giác mơ hồ rằng có một điều gì đó cao hơn, sâu xa hơn so với cuộc sống đời thường mà ta vốn biết đến và sống với.

Ở giai đoạn đầu tiên của quá trình Tỉnh thức, chúng ta hầu như chưa hề nghi ngờ về thực tế cuộc sống mà mình đang sống. Ta cố thủ trong ý thức đám đông, cứ thế tồn tại và đều đặn trải qua mỗi ngày trong giới hạn ràng buộc của hệ thống các quy chuẩn văn hóa, xã hội. Ta thường không đặt câu hỏi về thực tại hoặc kiếm tìm câu trả lời ngoài phạm vi những hoạt động sống cần thiết cơ bản. Sự định vị và định nghĩa mà mỗi người có về bản thân mình đều xoay quanh những thông tin cá nhân, những vai trò mà ta nắm giữ trong một cấu trúc tập thể, văn hóa, xã hội, tôn giáo/tín ngưỡng nhất định.


Trong giai đoạn này ta thường thấy mình là “nạn nhân” của hoàn cảnh sống và những sự việc, những mối quan hệ xung quanh và tin rằng những yếu tố ngoại cảnh đó là những lý do khiến cho ta không hoàn toàn hài lòng, hạnh phúc trong cuộc sống.


Sống trong vô thức với hệ thống suy nghĩ và niềm tin được lập trình sẵn và vận hành tự động, một hệ quả tất yếu là cuộc đời ta diễn biến theo các công thức, quy chuẩn, khuôn khổ. Ta nhìn mọi thứ chỉ với hai màu đen - trắng, phán xét tốt - xấu, đúng - sai rạch ròi. Mỗi người gần như đều mặc định nhìn thế giới bằng những định nghĩa cứng nhắc đã được cài đặt sẵn trong tâm trí.


Bị thôi thúc bởi khát khao được hòa nhập, được chấp nhận, ở giai đoạn này, thông thường ta “phải” hy sinh nhu cầu cá nhân, thỏa hiệp đánh đổi những giá trị của bản thân để được là một phần của cộng đồng mà ta đang sống, như gia đình mình, bạn bè, đồng nghiệp, hay cả nền văn hóa, sắc tộc… Giá trị bản thân lúc này bị đánh đồng, phụ thuộc và gắn liền với cách mà người khác nhìn nhận, đánh giá về ta, hay vị trí mà ta đảm nhận trong cộng đồng và môi trường mà mình đang sống và làm việc.


Bởi lúc này Bản Ngã nắm trọn quyền kiểm soát, nên ta lầm tưởng và tin rằng mình chính là Bản Ngã, mà không hề băn khoăn hay nghi ngờ rằng ta còn là một điều gì đó lớn lao hơn rất nhiều.


Ở giai đoạn đầu này, ta tin rằng hạnh phúc hoàn toàn đến từ những yếu tố ngoại thân. Vì thế, để đạt được hạnh phúc, ta thường cố gắng kiểm soát, giành quyền sở hữu, hoặc thay đổi những yếu tố bên ngoài, như hoàn cảnh sống, môi trường làm việc, điều kiện vật chất, những con người xung quanh mình, thậm chí cố gắng kiểm soát cả cách mà người khác sống và hành xử, và cách họ nhìn nhận về mình như thế nào, vv.


Dù cố gắng để điều khiển và làm chủ cuộc sống của mình với mong muốn được an yên và hạnh phúc, nhưng những niềm tin cố hữu trong tâm trí và chuỗi phản ứng vô thức lại nắm quyền điều khiển chính suy nghĩ và cảm xúc của ta, gây ra những rối ren, mâu thuẫn, muộn phiền, thất vọng. Bởi không nhìn thấy mối liên hệ giữa suy nghĩ, niềm tin trong tâm trí với những chuỗi cảm xúc và phản ứng của mình, ta không thể kiến tạo thực tại một cách thông tỏ, sáng suốt.


Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu đầu tiên của Tỉnh thức xuất hiện trong giai đoạn này, đó là cái cảm giác dù rất mơ hồ, chớp nhoáng, nhưng vẫn khiến ta chú ý, nó âm ỉ nhen nhóm trong ta rằng có một điều gì đó khác, quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, chân thực hơn về cuộc sống này. Và ta dần cảm thấy mình cần phải kiếm tìm…


Giai đoạn 2 – Khát khao tìm kiếm câu trả lời

Những hạt mầm hoài nghi ở Giai đoạn 1 bắt đầu chuyển thành những câu hỏi ý nghĩa. Những chặng đường đầu tiên trong hành trình tìm kiếm câu trả lời.



Ở giai đoạn thứ hai, ta cảm thấy cuộc sống ngày càng “bức bối”. Cảm giác rõ rệt hơn rằng có thứ gì đó không ổn, không thật, hoặc bị bỏ sót. Ta bắt đầu hoài nghi về ý thức đám đông, về hiệu lực của các quy tắc, niềm tin và hệ quy chuẩn của xã hội. Những thứ từng khiến ta hài lòng trước đây bao gồm vật chất, danh vọng địa vị, truyền thống văn hóa hay tôn giáo… giờ không còn thỏa mãn được ta. Những nơi ta từng tới để tìm kiếm câu trả lời cũng không còn có thể củng cố niềm tin và không còn trả lời được những băn khoăn sâu thẳm trong lòng.


Ta hoài nghi đến cả những thứ giúp ta nhận diện và định vị chính bản thân mình, nhưng vẫn cố bám víu vào chúng bởi ta vẫn khát khao tìm kiếm và chứng tỏ giá trị của bản thân, và cũng bởi ta chưa biết đến có điều gì chân thật hơn nằm ngoài những định nghĩa mình từng biết.


Ta tìm cách đổ lỗi cho tôn giáo, cho gia đình, nền văn hóa, chính phủ, thậm chí cả thế giới này về những vấn đề xảy đến, hoặc đổ lỗi cho một ai đó về những rắc rối và những điều mình không hài lòng. Việc đùn đẩy trách nhiệm hay đổ lỗi cho người khác và ngoại cảnh càng chứng tỏ sự bất lực của bản thân, khi mà ta chưa nhận thức được rằng, bước đầu tiên để ta có thể làm chủ cuộc đời mình là “tự chịu trách nhiệm”.


Trong giai đoạn này, ta có xu hướng chuyển từ cách nghĩ, cách nhìn của một “nạn nhân” sang vị thế của “kẻ sống sót”, nhưng vẫn thường xuyên đổ lỗi cho những yếu tố ngoại thân và dày vò sự “bất lực” và “vô nghĩa” của chính mình.


Khi đặt câu hỏi về mục đích sống của ta trong cuộc đời là gì, ta thường phải đối diện với sự hoang mang cao độ, cảm xúc rối ren, lo lắng, bất an, bế tắc, thất vọng và chán nản. Trầm cảm là một biểu hiện phổ biến thường gặp trong giai đoạn này.


Trong sâu thẳm, những câu hỏi “Mình là ai? Vì sao mình lại ở đây? Mục đích sống của mình là gì?!” liên tục xuất hiện trong tâm trí. Chúng thôi thúc trí tò mò và khát khao tìm kiếm câu trả lời.


Và như một lẽ tự nhiên, ta dần dần tìm đọc một số sách về tâm linh, Phật pháp, đi chùa, đọc kinh; tập tành yoga/ thiền/ khí công/ reiki, .., tìm đến những dịch vụ/ những trang thông tin về tử vi/ quy hồi tiền kiếp/ luận giải thần số/ trải bài tarrot, vv.


Với những sự tìm hiểu ban đầu đó, ta bắt đầu thấy thấp thoáng hình như có một chương trình được lập sẵn nào đó vô thức đang điều khiển cuộc đời ta, và ta khát khao cởi trói cho chính mình khỏi những khung lập trình tự động đó và ra sức tìm kiếm cách thức để thay đổi cuộc đời, thay đổi vận mệnh, để có thể tái thiết lập và định vị lại bản thân. Vì thế, trong giai đoạn này, ta thường mê đắm những cuốn sách/ video/ bài giảng về năng lượng/ vũ trụ/ hành trình linh hồn/ hợp đồng linh hồn/ sứ mệnh cuộc đời/ sức mạnh của tiềm thức, và các khóa học/ khóa huấn luyện phát triển tâm thức.


Dấu hiệu rất phổ biến trong giai đoạn này, đó là, ta rất dễ bị cuốn hút bởi những 'sư phụ'/ những 'người đã tỉnh thức'/ những 'người thấy biết tột cùng'... tự xưng là tỉnh thức tối cao hoặc có khả năng cứu rỗi/ chữa lành, bởi ta khát khao được giải thoát, được đổi đời một cách nhanh chóng. Ta mong muốn có được siêu năng lực để có thể kiểm soát/ kiến tạo/ thay đổi/ làm chủ cuộc đời, để đạt được những điều mình 'muốn', thay vì mòn mỏi trong sự hoang mang, vô định, thua thiệt, và cảm giác vô nghĩa, đầy khổ đau, bất mãn ở đời.


Ta lúc này đánh đồng tỉnh thức và tu tập tâm linh với những trải nghiệm tâm linh màu nhiệm, có khả năng nhanh chóng cứu rỗi và giúp ta đổi đời. Ta dễ bị mê đắm bởi một loại giáo pháp, sư phụ, thầy bà, hoặc công cụ, và ta tuyệt đối tin rằng đó là con đường tối cao, siêu việt. Lúc này, ta không chỉ sống với những mặt nạ/ vỏ bọc thông thường như trước đây ta từng sống trong gia đình, xã hội, mà còn khoác lên mình chiếc áo mới mang màu sắc tâm linh, với những định danh mới - một đệ tử/ một học giả của một đạo/ một pháp/ hay một vị thầy đỉnh cao. Ta ra sức bảo vệ cho lựa chọn siêu việt của mình và chỉ trích con đường/ cách thức tu tập của những người xung quanh.


Ta vẫn sống với những niềm tin giới hạn cũ, với đủ mọi cảm xúc cao trào, vì góc nhìn và nhận thức của ta vẫn bị bó hẹp trong khuôn khổ những niềm tin cũ và những khát khao mạnh mẽ của bản ngã.


Với những nỗ lực 'tu học' ban đầu, ta bắt đầu hiểu rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài, nhưng ta vẫn cứ bị kéo vào vòng lặp của tìm kiếm “hạnh phúc ngoại thân”. Ta cũng bắt đầu nỗ lực hơn để sống tốt, làm điều thiện, nhưng chưa cảm nhận được như thế nào là yêu thương, từ bi, thấu hiểu.


Mặc dù ta bắt đầu cải thiện góc nhìn của bản than, nhưng ta thường vẫn giữ lối tư duy phán xét - phân định “đen – trắng, đúng- sai” như cũ. Nhưng dù gì, đó cũng là những bước tiến đáng quý trên hành trình tỉnh thưởng, bởi các định nghĩa 'tốt/ xấu, đúng/sai' này bắt đầu được điều chỉnh và nâng cấp hơn thành một hệ quy chuẩn mới, mang màu sắc tâm linh hơn và giá trị nhân văn cao hơn trước.


Giai đoạn 3Thức tỉnh tâm linh - An lạc tạm thời

Quá trình tri nghiệm, tìm kiếm, khám phá, tái thiết lập bản thân

- Giai đoạn tưởng an mà chưa an -


Qua 2 giai đoạn trước của hành trình tỉnh thức, ta bắt đầu đi sâu vào nội tâm của chính mình. Trước đó, ta đã bám víu vào mọi nhân tố ngoại thân mà vẫn gần như không thể xoa dịu những mâu thuẫn, đau khổ, bí bức của bản thân, vậy nên giờ đây ta chuyển hướng tìm kiếm câu trả lời từ tận sâu trong nội tâm mình.


Ta bắt đầu dần tháo gỡ hệ tư tưởng đám đông, và dám bước ra khỏi những niềm tin cố hữu đã in sâu trong ý thức được tạo nên bởi nền tảng giáo dục từ cha mẹ, thầy cô, nền văn hóa, xã hội, tôn giáo để bắt đầu bước ra, đi lối đi của riêng mình, để cảm thấy được là chính mình.


Trong quá trình gỡ bỏ những niềm tin cũ, ta có thể phải trải nghiệm những mâu thuẫn, mất mát, tiếc nuối trong môi trường sống và những mối quan hệ cũ, bởi những gì đã từng tương thích với hệ thống niềm tin cũ cần phải tan rã, trước khi thực tại mới được hình thành.


Khi bắt đầu nhận ra ta đã từng sống trong mê muội và nhầm tưởng, ta đồng thời thấy rằng hầu hết mọi người xung quanh vẫn đang chìm trong cơn mê ấy. Ta cố gắng lay tỉnh họ và cố gắng chứng minh rằng họ cần phải thức tỉnh, nhưng nỗ lực của ta thường bị coi là phán xét, dị biệt, khiến ta cảm giác nỗ lực của mình là vô ích và không được ghi nhận, trân trọng.


Không có gì ngạc nhiên, khi càng cố gắng mở mang tâm trí, ta càng vấp phải cảm giác bị công kích từ những người xung quanh, từ gia đình, xã hội, cộng đồng. Và ngược lại, ta vô thức công kích, đánh giá, chỉ trích lối sống của họ mà không hay, vì ta cho rằng họ thiếu tỉnh thức hơn mình.


Ta nhận ra mô hình thế giới mà mình từng là một thành viên trong đó không còn phù hợp nữa. 'Sự cô độc' là cảm giác thường gặp trong giai đoạn này. Giữa biển người bao la, ta thấy như mình là người duy nhất Tỉnh thức; không ai hiểu mình, không ai thực sự kết nối được với mình.


Sau một thời gian nỗ lực thay đổi mọi người, ta dần dần lựa chọn im lặng, lặng lẽ sống theo cách của riêng mình, và âm thầm tìm kiếm (ở đâu đó nằm ngoài các mối quan hệ cũ), hoặc tự mình cố gắng tạo dựng ra một cộng đồng riêng mà trong đó ta cảm thấy tương thích hơn với 'năng lượng' của mình, và có thể được thoải mái, tự do bộc lộ con người mình.


Ta bắt đầu thiết lập và sống với những lựa chọn mới, môi trường, công việc, hoặc lối sống mới, và cuộc sống của ta dần dần được thanh lọc khỏi những tầng lớp của sự vỏ bọc, sự giả tạo và những tranh đấu kịch tính/ lộ liễu ở tầng bề mặt. Mọi khía cạnh trở nên tương thích hơn với 'tần số cao'.


Trên hành trình 'tái thiết lập' hay 'kiến tạo mới' bản thân, ta có thể bắt đầu làm quen và đi sâu hơn vào một số phương pháp thực hành tâm linh như thiền định, yoga, Phật pháp, hoặc thực hành năng lượng (reiki, khí công, luân xa, dẫn nhập, thanh âm, ...), khám phá bản thân như nhân số học, chiêm tinh, tarrot, ... hay những phương pháp thực hành chuyển hóa thân tâm khác như nghệ thuật, chuyển động, nhịn ăn thanh lọc, vv. và thậm chí đi vào giảng dạy, viết sách, làm nghề coaching/ chữa lành...


Ở giai đoạn này, ta có thể trải nghiệm những tia linh cảm le lói về sức mạnh của tiềm thức và sự liên kết giữa ý thức với thực tại cuộc đời mình. Nhưng bởi Bản Ngã còn quá mạnh, ta thường bị cuốn hút và lún sâu vào việc tìm cách sử dụng sức mạnh của tiềm thức và những trải nghiệm tâm linh làm công cụ để đạt được những khát khao mới của Bản Ngã, đó là:

. tạo dựng một định nghĩa mới về bản thân mình;

. đạt đến cấp độ tỉnh thức cao hơn;

. kiểm soát được tương lai và cuộc đời;

. đạt được tự do về tài chính;

. xây dựng những lớp vỏ bọc mới, cao cấp hơn/ nhân văn hơn/ tâm linh hơn - một phiên bản không chỉ thành công/ giỏi giang mà còn có giá trị và tỉnh thức hơn người…


Có những khoảnh khắc, từ sâu thẳm trong ta, những tia ý thức trỗi dậy - giống như khi đang ngủ mơ, ta bất chợt trở nên tỉnh thức ngay trong giấc mơ đó và biết rằng mình đang mơ (lucid dreaming). Trong những khoảnh khắc dù ngắn ngủi đó, lần đầu tiên ta ý thức được rằng mọi thứ cần phải diễn ra như thế, mọi thứ đều hoàn hảo, trùng khớp, không nhầm lẫn, thiên vị... Lần đầu tiên, ta cảm nhận được điểm cân bằng - vững chãi - bình an - đầy yêu thương - luôn sẵn có trong chính mình, không thể bị tiêu huỷ hay lay chuyển bởi bất cứ sự việc nào, nỗi đau nào, hay hoàn cảnh nào trong cuộc đời này!


Tuy nhiên, những khoảnh khắc đó thường nhanh chóng tan biến, ta thường bị kéo trở lại với những thói quen và lối mòn suy nghĩ mà ta chưa thực sự bước được ra. Nhưng ta thường rơi vào ngộ nhận rằng mình đã tỉnh thức/ giác ngộ hoàn toàn.


Khi thành thật đối diện với chính mình, ta biết rằng trong nội tâm, ta vẫn thường gặp phải cảm giác hoang mang về 'giá trị'/ 'sứ mệnh'/ 'vị trí'/ hay 'ý nghĩa' về sự tồn tại của mình. Trong sâu thẳm, ta vẫn thường xuyên lo sợ bị thất bại, sợ không được người khác nhìn nhận giá trị thực sự của bản thân mình. Nhưng ta không trả lời được câu hỏi: giá trị thực sự của mình là gì? Hoặc có câu trả lời nhưng bị tham nhũng bởi những khát khao/ mưu cầu bản ngã và những hiểu nhầm từ nhận thức lệch lạc của tâm trí.


Ta vẫn cứ ra sức chứng tỏ năng lực và khẳng định bản thân, kiếm tìm chỗ đứng, đau đáu vươn tới thành công; ra sức tìm cách nâng cấp hình ảnh bản thân, và tạo dựng hình tượng của một 'người tỉnh thức'/ một 'người thầy'/ một 'nhà chữa lành'/ 'người truyền cảm hứng'/ một 'light worker' - với cuộc sống đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần, viên mãn vẹn toàn, nhằm chứng mình giá trị của mình.


Trong giai đoạn này, dù hiển lộ hay sâu kín, nếu thành thật với chính mình, ta biết rằng tâm ta chưa thực sự an, ta chưa đạt tới điểm bình an trọn vẹn, chưa thực sự tỉnh thức và giác ngộ như hình tượng ta mong muốn tạo dựng và trở thành.


Ngọn lửa le lói của những cảm xúc khó chịu, bức bối, những suy nghĩ phán xét, tính toán thiệt hơn, những khát khao, ước vọng vi tế về tiền tài/ danh vọng/ hình ảnh bản thân, và những nỗi thất vọng/ bất mãn về những gì chưa như ý trong đời, vẫn thường xuyên âm ỉ trong ta... Dù không còn sục sôi như trước, nhưng ngọn lửa tham - sân - si vẫn luôn còn đó, chỉ là chuyển thể thành dạng thức vi tế và ẩn khuất hơn.


Giai đoạn này, ta thường chưa đủ nhận thức và tỉnh táo để nhận biết sự có mặt của những cái tham - sân - si và bản ngã tâm linh vi tế đang điều khiển mình, cứ vô tình ta nuôi dưỡng và đắm chìm trong những thứ lý tưởng hay ho mà bản ngã và tâm trí vẽ nên trong đầu. Vì thế mà những khoảnh khắc thực sự an yên, trong trẻo cứ nay nở, mai tàn.


***


Đến một lúc, tự ta cảm thấy thực sự mệt mỏi với những mặt nạ và vỏ bọc của tỉnh thức, bởi vòng lặp của những suy nghĩ rối ren, những mâu thuẫn, thèm khát, hờn ghen, bất mãn, hay phấn khích, tự tôn, tự mãn, ... vẫn cứ lặp đi lặp lại, dằn vặt, giằng xé, và đốt cháy sự trong trẻo, bình yên của tâm trí.


Ta nhận ra, sau tất cả, ta vẫn bị lạc trôi trong những cơn mơ của tâm trí và vẫn bị cuốn vào những thôi thúc/ khát khao không điểm dừng của bản ngã mà thôi.


Khi một biến cố lớn xảy ra, những giá trị tưởng như rất vững chãi, yên ổn... mà ta đã tạo dựng nên, bỗng chốc đều vụn vỡ. Bản ngã của ta hốt hoảng khi cảm thấy như 'cái chết' cận kề, chơ vơ, trần trụi, ko còn điểm tựa để bấu víu. Tâm trí ta bấn loạn, rối ren như giữa biển mây mù... Lúc đó, ta rơi vào trạng thái cao trào của cảm giác hoang mang, vô định, và thất vọng, bẽ bàng khi nhận ra: ta đã luôn sống trong ảo tưởng về tỉnh thức; ta không phải là con người vững chãi, tự tin, giỏi giang, tỉnh thức... mà ta từng nghĩ và tin rằng đó là mình; ta không thể kiểm soát bất cứ điều gì trong cuộc đời này; cuộc đời ta thực ra không có sứ mệnh và không có đích đến...


Cảm giác ấy có thể khiến ta hoảng sợ. Không sứ mệnh, không mục tiêu, không đích đến, ta chẳng biết sẽ phải sống tiếp như thế nào – lẽ nào hành trình tỉnh thức cuối cùng lại chỉ để nhận ra điều vô lý này - lẽ nào cuộc sống lại vô nghĩa đến thế?!


Vật lộn trong sự vô định, trống rỗng, hoang mang, ta càng thêm khát khao được an yên và tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.


Trong sự khắc khoải đó, ta thành khẩn nhận ra: mọi vỏ bọc bên ngoài và hình ảnh bản thân không giải cứu được cho ta khỏi sự trống rỗng, hoang mang, vô nghĩa trong sâu thẳm lòng mình, và không đem lại an yên, tỉnh thức chân thực, bền lâu.

Trực giác và động cơ trong sáng lúc này sẽ dẫn ta đến với (hoặc quay trở lại với) những người thầy chân chính vẫn luôn luôn ở đó, chỉ lối soi đường, (nhưng xưa kia ta chưa thật sự hiểu), giúp ta dần nhìn xuyên qua chính cái 'tôi' và những niềm tin sai lệch trong tâm trí - nguyên nhân gốc rễ gây nên những dằn vặt, hoang mang, bất mãn ở đời.


Định hướng đúng và nhận thức đúng dần thay thế cho sự hoang mang, vô định. Ta bắt đầu đặt nỗ lực vào việc chuyển hóa lối sống, chuyển hóa tâm trí rối ren và nhìn thấu bản ngã của chính mình.


Hành trình tỉnh thức giờ đây không còn chỉ là ở tầng bề mặt, và không còn bị tham nhũng bởi mục tiêu nâng cấp giá trị bản thân, đạt được những bước tiến tâm linh, hay những thành tựu về vật chất/ tinh thần như trước. Mà đơn giản, nó trở thành quá trình liên tục soi chiếu chính mình trong từng suy nghĩ, từng phản ứng/ cảm xúc, từng tương tác trong cuộc sống hàng ngày, để lựa chọn sửa đổi/ điều chỉnh/ gỡ bỏ từng tầng từng lớp của những mộng mị/ nhầm tưởng của tâm trí, những nỗi sợ, khát khao/ mong cầu của bản ngã, và từ đó bản chất vô thường - vô ngã của mọi sự vât, hiện tượng dần sáng tỏ. Trên hành trình đó, ta mỗi ngày một trở nên bình tâm - thấu hiểu - từ bi - yêu thương - an nhiên vui sống trong phút giây hiện tại, với chính bản thân mình và với tất cả mọi người/ mọi sinh linh/ mọi hoàn cảnh.


3,146 views0 comments
bottom of page