top of page

Hãy chia sẻ bài viết này để giúp cho những thông điệp và chân lý đến được với nhiều người hơn!

Cảm ơn bạn đã đóng góp vào kiến tạo một xã hội mới đầy thấu cảm, an yên và yêu thương!

 

YÊU BẢN THÂN – Mở cánh cửa để sống một cuộc đời trọn vẹn.

Nếu bạn đã từng đọc các bài viết, sách báo hoặc tài liệu liên quan tới lĩnh vực “tự trợ” hay “phát triển bản thân” (self-help/self-motivation) hoặc đã từng tìm hiểu kiến thức hay nghe giảng thuộc lĩnh vực tâm linh hiện đại thì hẳn là đã quen thuộc với thuật ngữ “Yêu bản thân”.


Trong bài viết này, trước khi làm rõ “Yêu bản thân” cần thiết ra sao trong việc giúp chúng ta thấu hiểu trọn vẹn bản thân mình, trước hết bạn cần hiểu rõ hơn “Yêu bản thân” KHÔNG PHẢI là gì. Điều này là yếu tố then chốt giúp chúng ta tránh khỏi những cạm bẫy phổ biến do nhận thức sai lệch, diễn giải sai lệch, áp dụng sai lệch, từ đó mới có thể hiểu một cách đúng đắn và thuần túy về “Yêu bản thân” chân chính.


1. “Yêu bản thân” KHÔNG PHẢI là chỉ hướng vào và tập trung xây dựng Hình ảnh bản thân.

Chúng ta hầu như ai cũng cố gắng tạo dựng và sống với “hình tượng bản thân” cả về ngoại hình và tính cách (hình ảnh cá nhân và đặc thù tính cách mà mỗi người chúng ta mong muốn được nhìn nhận và ghi nhớ bởi những người xung quanh mình). Những phần tính cách thể hiện ra bên ngoài này có thể thay đổi tùy theo môi trường, đối tượng tiếp xúc hoặc các mối quan hệ. “Hình tượng bản thân" ấy được biểu hiện thông qua diện mạo, phong thái, dáng vẻ bên ngoài, và cách chúng ta nói năng, đối đãi, cư xử - những ấn tượng về phẩm chất của bản thân mà chúng ta mong muốn được nhìn nhận trong con mắt của những người xung quanh… Tất thảy những điều này là tác phẩm do Bản ngã khắc họa nên và nỗ lực duy trì. Đó cũng chính là cách mà Bản ngã cảm giác được an toàn, được chấp nhận, để có thể hoà nhập và tồn tại, và cảm thấy có chỗ đứng trong thế giới vật chất này.


Cũng dễ hiểu và hợp lý thôi. Và thực ra, đó cũng là một chức năng cần thiết của Bản ngã giúp đảm bảo tối đa hóa khả năng sinh tồn và khả năng thích ứng của chúng ta trong cộng đồng và bối cảnh xã hội. Và nhờ có thể sinh tồn, kéo dài sự sống, ta có nhiều cơ hội hơn để trải nghiệm những điều mà linh hồn ta khao khát chạm tới trong kiếp sống này. Tuy nhiên, khi ta đang bị Bản Ngã kiểm soát và chi phối toàn bộ (hay nói cách khác, ta đang sống trong trạng thái u mê – trạng thái mà hầu hết mỗi người đều đang sống khi ở giai đoạn đầu của hành trình tiến hoá - khi ta chưa nhìn thấu Bản Ngã và chưa tìm thấy Chân Ngã), sự nhận thức của chúng ta về bản thân là cực kỳ hạn chế và hầu như chỉ xoay quanh cái hình tượng mà Bản Ngã tự dựng lên kia. Do đó, dưới ý thức của Bản Ngã, thuật ngữ “Yêu bản thân” thường bị lạm dụng để biện minh cho sự tập trung thái quá vào ngoại hình và những lớp mặt nạ/vỏ bọc tính cách hào nhoáng giả tạo bên ngoài (những phần tính cách mà ta thể hiện ra và cố gò mình theo với mong muốn được người khác nhìn nhận, thay vì cốt cách chân thực và mộc mạc nhất của chính mình).


Từ hệ quy chiếu của Bản Ngã, “Yêu bản thân” thường bị phiên dịch và hiểu sai là sự “tự luyến” – thứ tình yêu mà Bản Ngã dành cho chính nó - mê đắm với hình tượng mình tự tạo dựng.


2. Yêu bản thân KHÔNG PHẢI là chìm đắm và dành quá nhiều tâm sức cho những thú vui thể chất và/hoặc tinh thần.


Tìm kiếm sự dễ chịu, niềm vui, hạnh phúc là xu hướng thuận tự nhiên và tất yếu mà mọi sinh vật sống trong thế giới vật chất này luôn hướng tới để tối đa hoá cơ hội sinh tồn và phát triển trong thế giới vật chất này. (Nếu một người tự tìm đến nỗi đau, hay tự hành hạ và gây tổn hại cho bản thân mình, hay thậm chí có người còn cảm thấy thoả mãn hơn trong những hành vi tự hủy hoại bản thân đó, thì đó là những biểu hiện đáng lo ngại, không thuận tự nhiên, và thường là hệ quả của một quá trình dài với những suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin tiêu cực tích tụ và cô đặc trong tâm trí, khiến cho người đó mắc kẹt trong trạng thái tâm lý nạn nhân một cách nghiêm trọng và trở nên hoàn toàn mất kết nối với trạng thái thuận tự nhiên.)


Tuy nhiên khi nói tới “Yêu bản thân”, chúng ta lại thường dễ bị nhầm lẫn và đánh đồng “Yêu bản thân” với việc chìm đắm và dành quá nhiều tâm sức cho những thú vui thể chất và/hoặc tinh thần cho bản thân mình, bởi những thú vui đem đến cảm giác thoả mãn, vui sướng, nó dễ trở thành “chất gây nghiện”. Khi việc đáp ứng những thú vui cá nhân trở nên thái quá, chúng ta thường bị sa vào trạng thái hưởng thụ quá mức, u mê trong những trò tiêu khiển mang tới cảm giác thỏa mãn nhất thời cho thân thể và tâm trí. Việc “nghiện ngập những thú vui” này kìm hãm, ngăn trở sự trưởng thành về ý thức, tinh thần, và kể cả sự lành mạnh, khoẻ mạnh của cơ thể, và khiến chúng ta dễ trở thành con rối bị điều khiển hoặc thao túng. (Những ví dụ điển hình đó là: ta khó cưỡng lại lòng ham muốn bất tận trước những món hàng hay các mẩu quảng cáo về các sản phẩm hứa hẹn đem đến sự thoả mãn cho ta; hoặc ngồi hàng giờ thậm chí thâu đêm suốt sáng lướt mạng, “cày” phim, xem youtube, chơi game vv. bởi chúng cho ta cảm giác vui sướng và tạm quên đi hết mọi vấn đề trong thực tế cuộc sống. Hoặc giả, ta vô thức chuốc lấy khổ đau và thương tổn khi dấn thân vào các mối quan hệ không lành mạnh hoặc không dựa trên tình yêu - những mối quan hệ chỉ nhằm thỏa mãn cảm giác an toàn, êm ấm về mặt vật chất/tiện ích, hay nhu cầu thể xác, vv.).


3. Yêu bản thân KHÔNG PHẢI là cảm giác thương cảm, bao bọc, phòng vệ cho bản thân trước những bi kịch của đời mình


Con người thường hình tượng hóa bản thân trong tâm trí mình, và nhìn mình như nhân vật chính trong cuốn phim truyền hình dài tập về cuộc đời mình. Dưới sự chi phối của Bản ngã, ta nhìn mọi thứ từ góc độ hạn hẹp cố hữu; với một trái tim không rộng mở, ta không thể có cái nhìn toàn cảnh về bản chất thực sự của vấn đề, do đó hầu như ta không thấy được, không hiểu được cảm xúc và quan điểm của người khác. Bởi thế, ta thường cảm thấy rất bức xúc và thương cảm cho chính bản thân mình khi gặp phải những sự việc khiến chúng ta đau buồn, khi bị đối xử bất công hay những tình huống, hoàn cảnh bất hạnh khác mà ta phải trải qua. Đó thực ra là ta đang hoàn toàn đặt mình vào“trạng thái nạn nhân” của Bản Ngã - trạng thái chìm đắm trong sự tự thương hại, tự bảo vệ, coi trọng bản thân và đặt mong cầu của bản thân lên trên tất cả (chỉ tập trung vào những khát khao, mong cầu, ước muốn, và hạnh phúc của riêng mình mà không nhìn nhận và không mảy may quan tâm đến góc nhìn và mong cầu của người khác).


Đối đãi tốt và quan tâm tới chính mình là lời khuyên mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp trong các bài báo hay sách dạy thực hành “Yêu bản thân”. Nhưng hãy chú ý đến lý do vì sao bạn nghĩ là bạn cần phải đối đãi tốt, bao bọc, quan tâm bản thân mình. Đó có phải là một mảnh ghép còn thiếu để lòng từ bi, yêu thương mở rộng và bao gồm tất thảy? Hay đó là sự thương cảm, vỗ về mà bạn đặc biệt dành riêng cho mình khi cảm thấy cần có thêm dũng khí hoặc tìm đồng minh để đối mặt với những nỗi khổ đau, bất mãn trong cuộc sống? Nếu là loại thứ hai, thì đó chính là “trạng thái nạn nhân”!


Xem bản thân là nạn nhân và tự xót xa, thương cảm cho mình chính là cách Bản Ngã thôi thúc ta gạt bỏ trách nhiệm với cuộc sống của mình, đổ lỗi cho người khác và ngoại cảnh rằng họ đã xô đẩy, đã gây ra những đau khổ và tổn thương cho ta.


“Trạng thái nạn nhân” chính là tác nhân chính yếu ngăn trở chúng ta trải nghiệm sự bình yên và trọn vẹn từ trong nội tâm mỗi người. Khi ta nghĩ rằng mình là kẻ bị lợi dụng, bị đối xử không công bằng, bị thiệt thòi, ta đang đặt mình ở thế bị động, cho rằng mình bị người khác và hoàn cảnh làm tổn thương, mình là kẻ bị hại và như vậy, mình tự coi mình là nạn nhân và luôn cảm thấy bất mãn trong cuốn phim cuộc đời mình. Bởi cách nhìn nhận này, ta sẽ vô thức dành toàn bộ thời gian để tìm kiếm “ai đó” (như là một người hùng/một chàng hoàng tử/một thiên thần/một người bạn tâm giao/một người yêu thương thấu hiểu mình…) hoặc “điều gì đó” kỳ diệu ngoài kia sẽ đến giải cứu ta khỏi những tổn thương, đau đớn trong cuộc đời; ta khát khao và mong chờ được an ủi, xoa dịu, bao bọc, chở che, vỗ về, được thỏa mãn những nhu cầu và ước muốn về mặt cảm xúc, tinh thần, thể xác… Ta cứ thế vô thức khắc khoải tìm kiếm ai đó/điều gì đó sẽ mang đến cho ta niềm vui, hạnh phúc, và (quan trọng nhất là) cứu rỗi ta khỏi khổ đau, cô đơn, bất công, và tổn thương trong đời. Và liệu rằng có bao giờ ta thực sự được cứu rỗi? Hay chính “người hùng” đó đến một ngày cũng lại trở thành một “kẻ xấu” trong mắt ta - một tác nhân gây cho ta buồn khổ? Là bởi vì ta vẫn cứ tiếp tục sống trong trạng thái nạn nhân - tiếp tục coi mình là nhân vật chính trong tấn bi kịch đời mình. Và bởi ta luôn là “nạn nhân”, là “người bị hại”, ta luôn vô thức biến người khác và hoàn cảnh xung quanh thành “kẻ xấu”.


4. Yêu bản thân KHÔNG PHẢI là trốn tránh, chối bỏ cuộc đời và cắt đứt kết nối với mọi người/thế giới xung quanh để chỉ tập trung vào “nội tâm”.


Đa số chúng ta thường chỉ tìm hiểu về “Yêu bản thân” lúc ta rơi vào trạng thái đổ vỡ, thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng khi mọi thứ trong cuộc sống diễn ra không như ý muốn. Đau lòng, tổn thương sau các mối quan hệ, mất đi những người thân yêu hay những điều mình yêu thích, thất bại trong sự nghiệp hoặc thất bại trong những mốc quan trọng của cuộc đời, bị chối bỏ hay không được ghi nhận dù đã nỗ lực rất nhiều… Đó là những khi ta thấy mất hết niềm tin, hy vọng, chỉ còn lại cõi lòng tan nát. Và thế là, ta quyết định rút lui, trốn chạy, chối bỏ.


Ta trở nên sợ hãi và muốn trốn tránh để không còn phải đối mặt và chịu đựng những nỗi đau, thất vọng. Ta lúc này thường bắt đầu hướng nội và học cách lắng nghe bản thân mình, quay trở vào trong chính mình. Đây thường là lúc ta bắt đầu tìm kiếm và tập trung nghiên cứu cách thức “tự tạo động lực” và “đối xử tốt” với bản thân mình nhiều hơn (Self-help/Self-love), và đào sâu khai phá, phát triển năng lực cá nhân, để giúp cho chính mình trở nên mạnh mẽ, tự lập. Nhưng về cơ bản ở thời điểm này, lý do cho sự hướng nội của một người thực chất bắt nguồn từ nỗi sợ bị tổn thương, tìm cách trốn tránh sự đời, quay lưng với thế giới và khép chặt lòng mình.


Lúc này, có vẻ như ta đã học được một điều hiển nhiên rằng chẳng có bất cứ ai ngoài kia có thể chịu đựng thay mình những tổn thương, sống cuộc sống này thay mình, hay có thể giải thoát mình khỏi cảm giác đau khổ, sợ hãi, và những nỗi bất mãn từ sâu bên trong. Đồng thời, cũng không có ai hoàn toàn đồng cảm với mình về những đau đớn và bất an ấy. Chính mình – một mình mình - chứ không ai khác phải tự bước trên con đường của mình, cho dù có thể may mắn có ai đó đồng hành ở bên, hoặc không! Một cách có ý thức hoặc vô thức, ta tuyên bố với chính mình rằng ta KHÔNG CẦN AI ĐEM ĐẾN CHO TA HẠNH PHÚC. Nhưng tuyên bố đó mang một sắc thái tiêu cực và thất vọng! Ta thậm chí còn nghĩ rằng sự có mặt của những người khác sẽ chỉ gây thêm đau đớn và thất vọng hơn là mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của ta; hoặc giả họ có thể khiến ta hạnh phúc, nhưng nỗi đau và sự thất vọng đi kèm theo đó thì thường khủng khiếp hơn. Vì vậy, nhân danh “sự thấu hiểu và biết Yêu bản thân mình”, ta hướng nội và buồn bã khép chặt trái tim mình, gặm nhấm một mình những cay đắng, sợ hãi và tổn thương.


Ban đầu, trạng thái “ở ẩn” này khá hữu ích, giúp mỗi người chúng ta có thời gian và điều kiện khai phá bản thân kỹ càng hơn, trở nên tự lập và kiên cường hơn. Đây cũng là bước khởi đầu cho giai đoạn tiến hóa nội tâm trên hành trình tỉnh thức (hay là sự tiến hóa của ý thức). Ở giai đoạn này, ta tập trung hoàn toàn vào sự phát triển của cá nhân, nhưng thiếu đi trải nghiệm một đặc tính nội tại cơ bản nhất của con người: đó là SỰ KẾT NỐI.

Mỗi cá thể không thể tồn tại và phát triển nếu không kết nối với những thực thế sống khác đang hiện hữu trong ma trận (Matrix) siêu liên kết giữa tất cả mọi người, mọi sự vật trong vũ trụ của thế giới vật chất này.


Chừng nào ta vẫn còn là một con người sống trong nền văn minh nhân loại, trong thế giới vật chất mang tính tương đối và tính hai mặt này, bất kể ta đạt tới mức độ nào của sự phát triển tâm linh hay “tỉnh thức”, ta không thể loại bỏ và phủ nhận vòng kết nối và khát khao kết nối giữa con người với con người, và với tất cả những gì hiện hữu quanh ta.

Chỉ khi ta nhận thức và hiểu thấu được chân lý này, “Yêu bản thân” mới có thể được thực hành và trải nghiệm một cách đúng đắn, trọn vẹn và chân thực với bản chất vốn có của con người!


***

Vậy “Yêu bản thân” thực chất là gì???


“Yêu bản thân” là sự trân trọng, từ bi, và an yên trọn vẹn với nguyên bản con người thật của chính mỗi người - cốt cách chân thực mà vốn dĩ luôn ở sâu trong ta, bên ta, và đồng hành cùng ta từ khi ta sinh ra đời!”.


Kể từ hơi thở đầu tiên khi ta chào đời - khoảnh khắc khi ta lần đầu tiên nhìn thấy những hình ảnh, khuôn hình, màu sắc lạ lẫm thông qua đôi mắt mình - lần đầu tiên ta cảm nhận được cái chạm khẽ từ cha mẹ mình... ta chính thức bắt đầu hành trình của sự sống trên Trái đất này, như một nhà thám hiểm bé nhỏ, háo hức khám phá mọi điều xung quanh.


Từng ngày từng ngày trôi qua, ta lớn lên, và cứ thế trải nghiệm và khám phá nhiều hơn, xa hơn nữa. Nhưng dần dần ta nhận ra rằng luôn có những giới hạn trong trải nghiệm – những ranh giới giữa việc được phép và không được phép làm, thứ gì là an toàn hoặc không an toàn, thế nào là chấp nhận được và không chấp nhận được – để tồn tại và thích nghi trong môi trường sống của mình.


Khi thế giới luôn đầy những ranh giới được xác lập, một đứa trẻ lớn lên về mặt thể chất, và song song với quá trình đó, tâm trí của nó mang theo cả sự lớn lên của những mặc định về giới hạn và khuôn khổ. Nhận thức về một sự tồn tại biệt lập của cá thể được hình thành: Tôi “ở đây”, những người khác/vật khác thì “ở kia”. Đó chính là thứ chúng ta gọi là Bản Ngã: là ý thức về tôi, của tôi trong mối quan hệ với họ, của họ. Cảm giác tách biệt này, cùng những lời nói hay hành động vô thức/thiếu sự thấu hiểu của người lớn (bởi đa phần người lớn cũng đều đang sống trong u mê và tầng ý thức của bản ngã, nên không thấy được bất cứ thứ gì ngoài chính những nhu cầu và mong muốn của bản thân), khiến đứa trẻ lớn lên với một suy nghĩ ngây thơ mà lệch lạc, rằng nó phải tìm kiếm, nỗ lực phấn đấu và chỉ khi đáp ứng được điều kiện mà người lớn đưa ra, nó mới được ban phát tình yêu!


Thế rồi mỗi chúng ta lớn lên, dành hết nỗ lực trong suốt cuộc đời để tìm kiếm sự thừa nhận, thấu hiểu và yêu thương của mọi người – trước hết là cha mẹ, tiếp đến là bạn bè, đồng nghiệp, người quen, cộng đồng/xã hội, và sau nữa là một người đặc biệt (người mà ta hy vọng sẽ nhìn thấu và trân trọng giá trị và vẻ đẹp của ta – người sẵn sàng yêu thương và hòa vào làm một với ta). Đó là những điều mà chúng ta đã cứ lặp đi lặp lại trong mỗi kiếp sống trên trái đất này.


Đến một thời điểm nhất định, khi linh hồn tiến hóa và tỉnh thức hơn, bạn sẽ nhận ra một chân lý rằng: không có BẤT CỨ AI ngoài kia, chỉ có duy nhất MỘT NGƯỜI ở ngay đây – mới có thể “cho” bạn những gì bạn đang tìm kiếm bấy lâu nay! Đó là người duy nhất biết được tất cả mọi thứ về bạn, xuyên suốt quá khứ từ khi bạn còn là một đứa trẻ cho đến tận ngày hôm nay, với mỗi bước ngoặt, mỗi ký ức về những người bạn đã gặp hay những nơi bạn đã qua, mọi sự kiện và chi tiết đã xảy ra trong cuộc sống của bạn, cùng với những cảm xúc và suy nghĩ sâu thẳm nhất bên trong bạn. Đó cũng là người thấu hiểu sâu sắc nhất những hy vọng và ước mơ thầm kín, thấu cảm mọi nỗi đau, sự cùng cực và tuyệt vọng của bạn. Là người biết rõ cả những mong muốn bí mật, những nỗi sợ, những cảm xúc, khát khao bạn luôn kìm nén hoặc cố kiểm soát. “Người ấy” thậm chí còn biết hết từng lời nói dối của bạn dù là nhỏ nhất, từng nỗi ân hận về những sai lầm, tội lỗi mà bạn không thể nói ra và đã luôn cố gắng chôn sâu. “Người ấy” đã luôn bên cạnh bạn mỗi khi bạn khóc, mỗi khi bạn đau buồn, suy sụp, cô đơn, thất vọng hay thoái chí nản lòng. Trên đỉnh cao hạnh phúc, thành công hay viên mãn, không ai hiểu rõ hơn “người ấy” rằng bạn hạnh phúc, vui vẻ đến thế nào. Dưới vực sâu tăm tối của buồn đau, thất bại, cũng không ai ngoài “người ấy” thực sự cảm thông được những cảm xúc đau khổ tột cùng mà bạn đã trải qua.


Tuy nhiên, dưới góc nhìn hạn hẹp của Bản Ngã và xu hướng tìm kiếm yêu thương ngoại thân, bạn (và tất cả chúng ta) vẫn cứ mải miết suốt kiếp này sang kiếp khác tìm kiếm một ai đó ở ngoài kia trên thế giới này - người có thể hoàn toàn chấp nhận và trân trọng bạn như bạn vốn có mà không hề cần có sự giả tạo hoặc che đậy nào. Nhưng bạn lại không nhận ra, không trân trọng sự hiện diện của chính con người đang tồn tại ngay tại đây, ngay lúc này, bên trong bạn và luôn đồng hành cùng bạn, đó là BẢN THÂN BẠN, người thấu hiểu bạn, quan tâm bạn, và trân trọng bạn hơn BẤT CỨ AI trên cõi đời này!


Hãy luôn nhắc mình ghi nhớ “người quan sát thầm lặng” đã và đang chứng kiến/quan sát mọi trải nghiệm và sự kiện diễn biến trong đời bạn, mọi lúc, mọi nơi, mọi phút giây cuộc đời! Cũng đừng quên rằng bạn hoàn toàn không thể che giấu bất cứ điều gì khỏi “người quan sát thầm lặng” đó trong chính mình – đó là phần tỉnh thức - phần cốt cách nguyên bản trong bạn - nhìn thấu tất cả về bạn một cách chân thực và sâu sắc nhất - là lương tâm và tâm hồn của chính bạn. Bạn không có bất cứ lựa chọn nào khác cả, vì trong từng khoảnh khắc, cho dù bạn làm gì, ở đâu, cũng đều đang được quan sát và giám sát bởi chính phần tỉnh thức này- phần lương tâm/tâm hồn trong sâu thẳm, phần không thể tách rời, phần luôn soi chiếu từ bên trong bạn một cách thấu đáo và chân thực nhất.


**

Giờ thì hãy dành chút thời gian để nhìn lại một vài kỷ niệm trong cuộc đời: những lần bạn cảm thấy cô đơn nhất, những lần bạn chìm trong tuyệt vọng và tăm tối, những lần bạn cảm thấy bị ruồng bỏ/ không được yêu thương, bị chà đạp, những lần bạn đánh mất niềm tin, hy vọng, những lần bạn cảm thấy tổn thương, đau đớn… thì “người ấy” – người quan sát thầm lặng trong bạn, vẫn luôn ở đó - cùng bạn - vì bạn - mọi lúc mọi nơi, không bao giờ tách rời! Bạn đã LUÔN được “người ấy” dõi theo, ghi nhận, thấu hiểu, quan tâm, trân trọng một cách trọn vẹn và vô điều kiện. Chỉ là Bản Ngã của bạn cứ mải miết kiếm tìm và nhìn ra bên ngoài, không nhận ra và không thừa nhận sự quan tâm, thấu hiểu, yêu thương của con người bên trong bạn mà thôi!


Biết được những điều này, thì bạn – trên hành trình tỉnh thức của mình, hãy luôn luôn lưu tâm tới sự hiện diện của “người ấy” trong mọi khoảnh khắc! Hãy lắng nghe “người ấy” thì thầm với bạn, trấn an bạn bằng sự quan tâm chân thật nhất! Bởi “người ấy” (hay chính bạn) luôn mong muốn cho bạn được hạnh phúc, an yên trọn vẹn trong nội tâm! Đặc biệt, những khi tâm trí bạn lu mờ và chìm trong tiêu cực, buồn bã, tuyệt vọng, khi bạn rơi vào trạng thái nạn nhân, hãy dừng lại, tìm kiếm, lắng nghe và cảm nhận sự hiện diện của sự bao dung, vỗ về, nâng niu, trân trọng và yêu thương vô điều kiện từ “người ấy”- phần nguyên bản của chính bạn! Hãy lắng nghe những lời khuyên, lời nhắc nhở từ “người ấy” để quay trở lại với sự thật, với những điều thực sự là quan trọng, với sứ mệnh hay mục đích, ý nghĩa cuộc sống mà bạn mang theo trong sâu thẳm chính mình.


Khi ta nhận ra nguyên bản con người thật của mình và khi ta tích hợp được phần nguyên bản đó vào trong từng phút giây cuộc sống, tâm trí bản ngã không còn kiểm soát ta, ta sẽ đạt được sự trọn vẹn từ bên trong chính mình. Đó là quá trình ta trải nghiệm Sống với Chân ngã.


Trong trạng thái toàn vẹn này, ta thực sự “Yêu bản thân” một cách đúng nghĩa và chân chính, không còn bị nhầm lẫn với Tình yêu vị kỷ mà Bản Ngã dành cho chính nó nữa.

Với cách định nghĩa và trải nghiệm “Yêu bản thân” dưới góc độ sự tự nhận thức và tích hợp phần nguyên bản chân thực nhất về chính mình vào trong từng phút giây của cuộc sống, sẽ không còn có sự mâu thuẫn hay đánh đổi giữa việc “yêu bản thân mình” với “hy sinh chính mình” để làm “hài lòng và yêu thương người khác". Bởi khi ở giai đoạn tiến hoá này, Bản ngã không còn nắm quyền kiểm soát, mà thay vào đó là sự bộc lộ chân thực của Chân ngã. Yêu thương lúc này đúng nghĩa là yêu thương - không vụ lợi, không toan tính hay mưu cầu - mà thuần túy là lòng trắc ẩn, từ bi, bao dung vô điều kiện, và sự trân trọng sâu sắc mà mỗi người dành cho chính mình và cho tất cả mọi người.


***

Nếu đang đọc những dòng này, bạn hãy tiếp tục quyết tâm và nỗ lực trên hành trình của chính mình, để từng ngày, từng giờ có thể dẫn dắt chính mình vượt qua sự kiểm soát và ý thức nạn nhân của Bản ngã, tiến gần hơn tới Chân ngã. Khi tìm thấy và sống với chân ngã, chúng ta không chỉ thoát ra khỏi tầng ý thức của bản ngã (là nguyên nhân của những dằn vặt, bất mãn, khổ đau của chính mình và gây đau khổ lẫn nhau giữa những người trong gia đình, xã hội), mà mỗi chúng ta sẽ luôn là một người biết yêu thương, trân trọng chính mình và tất cả mọi người một cách vô điều kiện. Nhân loại luôn cần thêm những người nỗ lực và có thể vượt ra khỏi được ý thức của bản ngã, sống đúng với chân ngã, để cùng kiến tạo một xã hội mới tươi đẹp, đầy yêu thương, thấu hiểu cho chính mỗi con người đang có mặt trên Trái đất này, và cho những thế hệ tương lai được sinh ra và lớn lên.


Hãy chia sẻ những thông điệp và bài viết này tới mọi người, bạn nhé! Bởi mỗi chúng ta đang cùng nhau nỗ lực, đồng hành, hỗ trợ nhau trên Hành trình An yên và Tỉnh thức! Nếu thiếu vắng bạn, ai có thể thay thế bạn sống cuộc đời của bạn một cách tươi đẹp và ý nghĩa hơn?!


Trân trọng, và yêu thương!

—Athena

481 views1 comment

1 comentario


Nhi Yen
Nhi Yen
27 may 2021

Cảm ơn bài viết và những chia sẻ của chị ạ

Me gusta
bottom of page