top of page

Hãy chia sẻ bài viết này để giúp cho những thông điệp và chân lý đến được với nhiều người hơn!

Cảm ơn bạn đã đóng góp vào kiến tạo một xã hội mới đầy thấu cảm, an yên và yêu thương!

 

Vì sao quan sát bản thân và nhìn ra ‘bản ngã’ / ‘cái tôi’ lại quan trọng? Nhìn ra rồi thì sao?

Cảm xúc khởi lên từ suy nghĩ (hiển lộ hoặc ẩn sâu).


Suy nghĩ khởi phát từ một tổ hợp các yếu tố và điều kiện mà chung quy lại ta coi là: ‘NGƯỜI SUY NGHĨ’ và hệ thống niềm tin trong tâm trí của ‘người suy nghĩ’.


‘Người suy nghĩ’ đó, ta mặc nhiên nghĩ là ‘mình’, là ‘tôi’, là tổ hợp tất cả những gì ta dùng để định nghĩa về mình.


Ý niệm về bản thân đó là cái mà các đạo/giáo/ pháp tu/ những người thầy tâm linh… của mọi thời đại gọi là: bản ngã/ cái ngã/ cái tôi/ ego/ sense of self/ self- notion…


Thông thường, tâm trí con người luôn ở trong trạng thái quan sát, suy nghĩ, phân tích, lưu trữ, phán đoán, hình dung, đánh giá… về một sự vật, hiện tượng, con người, hoàn cảnh, tình tiết sự việc nào đó, … Trong quá trình vận hành đó của tâm trí hay ý thức, ta mặc nhiên đồng hoá ‘mình’ là cái ‘người’ đang quan sát, đang suy nghĩ, đánh giá, hay đang hành động/ tương tác với các đối tượng bên ngoài đó.


Nhưng nếu như ta hướng sự chú tâm vào việc quan sát và nhận biết chính cái bản ngã - cái tôi - cái ý niệm về hình ảnh bản thân hay tầm quan trọng của cá nhân - cái ‘người’ luôn tự động tương tác và phản ứng với sự vật/ sự việc/ con người xung quanh thông qua những suy nghĩ/ lời nói/ hành động để bảo vệ quyền lợi và hình ảnh bản thân của ‘mình’.. khi đó, có một nhận thức được thắp lên và ngày một sáng rõ:


~ ‘Ai’ là ‘người’ đang làm cái việc quan sát và nhận biết chính ‘cái tôi’ này?! Nếu ‘tôi’ là người-đang-quan-sát những đối tượng bên ngoài (sự vật, hiện tượng, con người ‘tôi’ gặp…); nếu ‘tôi’ là chủ-thể-đang-bận-rộn với những suy nghĩ, phản ứng, cảm xúc, hành động trong sự tương tác giữa ‘tôi’ với các đối tượng bên ngoài đó, vậy thì ‘ai’ là người đang quan sát ‘tôi’ ??! ~

‘Ai’ là người đang quan sát và thấy được những nỗi lo sợ, những khát khao vị kỷ, những vòng lặp của suy nghĩ, cảm xúc, những lối mòn của cách nhìn nhận/ hành xử của chính ‘tôi’??


Dù chưa biết đó là ‘ai’ hay là gì, thì ít nhất việc quan-sát-và-nhận-biết-bản-ngã tự nó giúp cho quá trình đồng-hoá-với-bản-ngã chậm lại hoặc dừng lại (trong những khoảnh khắc ta quan sát được và nhận biết được bản ngã). Vì đối tượng được quan sát và nhận biết không thể đồng thời là ‘người’ đang quan sát và nhận biết chính cái đối tượng đó! (Ít nhất là đối với thế giới nhị phân này!)


Bạn thấy cái cây, con chó, con mèo —> cái cây, con chó, con mèo là đối tượng, còn ‘bạn’ là người quan sát! chứ ‘bạn’ ko phải là cái cây đó, hay con chó, con mèo đó!


Bạn thấy cái tay, cái chân của mình. Bạn thường cho rằng đó là ‘mình’, hay một phần của ‘mình’. Nhưng cái tay, cái chân đó cũng là đối tượng, còn ‘bạn’ là người quan sát. Cái tay, cái chân đó, cắt rời ra, bạn vẫn quan sát được chúng ko còn là một phần của ‘mình’, ‘bạn’ không nằm trong chúng!


Tương tự như vậy: bạn thấy được cái ý niệm về cái tôi, cái kẻ luôn bo bo, lo sợ, so đo, tính toán, suy nghĩ thiệt hơn, ra sức phòng thủ hay tranh đấu, gồng lên đuổi bắt, hay xù lông bảo vệ những gì ‘là mình’ và ‘của mình’.


Cái bạn thấy đó là đối tượng!


Bạn quan sát được đối tượng, khi ‘bạn’ ko nằm trong đối tượng đó và ko đồng hoá với đối tượng.


Nhờ việc tách rời khỏi sự đồng nhất với bản ngã, cái suy nghĩ/ niềm tin mặc nhiên rằng: ‘mình’ là người suy nghĩ, ‘mình’ đang phải trải qua những sự việc, hoàn cảnh, tương tác này, mình cảm thấy thế này, mình cần hành động thế kia, họ sai, mình đúng, vv… được thay bằng quá trình quan sát, nhận biết một cách khách quan và chủ động, thay vì chủ-quan và tự-động.


Sự khách quan, chủ động đó mở ra khả năng lựa chọn một cách khác đi trong cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm nhận và hành xử. Bởi ta nhận ra: ‘ta’ không hoàn toàn là cái suy nghĩ, cảm xúc, thôi thúc, khát khao, nỗi sợ đang hiện hữu trong mình.


Bằng chứng là: ta quan sát được chúng!


Điều đó có nghĩa là: ta có thể chủ động thay đổi góc nhìn, cách nghĩ, cách cảm nhận và hành xử! Sao cho cảm thấy dễ chịu, nhẹ lòng, bình an, thoải mái, dịu dàng, từ bi, và bao dung hơn!


Khi đó, ta được tự do khỏi sự đồng hoá với những góc nhìn/ niềm tin giới hạn của bản ngã, những lập trình tâm trí và nghiệp lực, gây ra những cảm xúc căng thẳng, nặng nề, đớn đau, mệt mỏi...


Và chỉ khi đó, cảm xúc, suy nghĩ mới có thể lắng lại, nhường chỗ cho lòng từ bi, thấu cảm, tâm thế an nhiên, tự tại, sự thật và tuệ giác.



124 views0 comments

Comments


bottom of page