top of page

Hãy chia sẻ bài viết này để giúp cho những thông điệp và chân lý đến được với nhiều người hơn!

Cảm ơn bạn đã đóng góp vào kiến tạo một xã hội mới đầy thấu cảm, an yên và yêu thương!

 

Hiểu đúng về NGHIỆP và con đường đến cuộc sống tự do, trọn vẹn, an yên.

Ở bài trước, Luật Nhân quả hay Nghiệp đã được lý giải phần nào dựa trên mối liên hệ với Số mệnh. Trong bài này, ta hãy cùng đi sâu hơn về Nghiệp, hiểu đúng về sự hình thành và vận hành của Nghiệp để bứt phá ra khỏi những ràng buộc cản trở ta sống đúng với bản chất chân thật nhất trong chính mình và khả năng tự do kiến tạo cuộc đời mình.


Như đã phân tích trong bài viết trước, luật Nhân quả là quy luật tự nhiên của tạo hóa, ảnh hưởng đến mọi sự vật, hiện tượng (bao gồm cả vô hình và hữu hình) trong vũ trụ vật chất này. Thông thường chúng ta thường hiểu về Nghiệp một cách đơn giản dựa theo luật Nhân quả, rằng: để tránh những hậu quả không mong muốn, ta chỉ cần loại bỏ đi nguyên nhân dẫn đến những hậu quá đó (nếu ta biết được “nguyên nhân” ấy là gì). Từ những bài học thu lượm được ở các học thuyết về tâm linh/ tôn giáo, từ lời dạy bảo của cha mẹ, chỉ dẫn của bạn bè, hay từ chính kinh nghiệm sống hữu hạn của mình, ta cũng phần nào đó có thể rút ra được một bài học, rằng: nếu ta biết kiểm soát mình khỏi những suy nghĩ, lời nói hay hành động không đúng đắn/không tốt đẹp, thì ta sẽ có thể tránh được không ít những hậu quả không mong muốn trong cuộc sống, và ngược lại, nếu ta cố gắng làm điều thiện lành, ta sẽ nhận được sự bình an, may mắn, phúc lạc. Với cách hiểu này, Nghiệp đơn giản là “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”. Muốn không “gặt bão” thì đừng “gieo gió”, thay vào đó hãy gieo những hạt mầm tốt đẹp, ta sẽ gặt hái được những hệ quả tốt đẹp! (Ví dụ như: Đừng nói dối nếu không muốn bị lừa dối, đừng phản bội nếu không muốn bị phản bội, hãy tôn trọng và yêu thương nếu bạn muốn mình cũng được tôn trọng và yêu thương…).


Nếu Nghiệp đơn giản chỉ là như vậy, cuộc đời hẳn sẽ không còn những nỗi mệt mỏi, đau thương, mất phương hướng hay thất vọng, nếu ta sống có đạo lý và luôn giữ phẩm hạnh dựa theo nguyên lý đó! Những đúc kết đó tuy rằng ít nhiều cũng có tác dụng giúp cho mỗi người chúng ta có ý thức hơn trong cách cư xử và lối sống, giảm thiểu bớt những mâu thuẫn và kịch tính, nhưng có một vấn đề là các chuẩn mực đạo lý và phẩm hạnh lại rất khác nhau, tùy vào thước đo của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, địa phương, tôn giáo, xã hội hay quốc gia… Đối với địa phương/ tôn giáo/ xã hội này, một hành động, lựa chọn bị cho là xấu, không thể chấp nhận được, thì ở địa phương/ tôn giáo/ xã hội hay một kỷ nguyên khác, hành động/ lựa chọn đó lại được cho là nên/ đúng/ hoàn toàn được chấp nhận. Ví dụ như chiến tranh (chém giết/ tàn sát lẫn nhau) giữa xã hội loài người hiện đại, dù nguyên nhân là gì cũng đều là sai trái/ không nên, nhưng trong quá khứ, những vị vương tướng lại càng được tôn vinh, thờ phụng nếu họ giết được nhiều kẻ thù, chinh phạt được nhiều thuộc địa, quốc gia. Một ví dụ khác: văn hoá phương đông cho rằng việc “sống thử” trước hôn nhân là sai trái, nhưng xã hội phương tây lại cho rằng đó là việc đúng đắn nên làm và cần làm, vv. Một ví dụ khác để giúp chúng ta thấy rõ thêm rằng: đúng/ sai, tốt/ xấu không hề có hệ quy chuẩn tuyệt đối, mà hoàn toàn là nhận định được tạo nên bởi góc nhìn, cách đánh giá, cách phiên dịch của cá nhân mỗi người trong mỗi hoàn cảnh nhất định: Một người ăn cắp tiền hoặc đồ ăn sẽ bị người bị mất tiền/ mất đồ và đa số mọi người trong xã hội cho đó là hành động xấu xa, sai trái, và người làm việc xấu đó ắt đã gieo nghiệp xấu và cần phải trả nghiệp (bị trừng phạt). Nhưng nếu nhìn từ góc độ của kẻ cắp đó, có thể người đó thực ra chỉ là nạn nhân của sự ngược đãi, bị bỏ đói quá lâu rồi, hoặc họ có bố mẹ già đau ốm và con thơ đang trong tình cảnh đói khát cùng quẫn, họ hành động như vậy với động cơ cứu sống chính mình và gia đình mình; ở góc độ của họ, theo cách hiểu về luật nhân quả như nhắc đến ở trên, thì hành động họ làm có lẽ không hề xấu!; thậm chí, họ đang làm việc tốt, cần thiết, và đúng đắn cho bản thân họ và những người cần sự hỗ trợ của họ!


Vậy thì, với vô vàn những hệ quy chuẩn khác nhau, làm sao chúng ta có thể nói chắc được rằng ta đang gieo đúng những “nghiệp tốt” và ngừng tạo thêm “nghiệp xấu”?

Nếu nhìn rộng ra các góc cạnh khác nhau của cùng một vấn đề, chúng ta có thể thấy rõ rằng, câu thần chú “gieo nhân nào gặt quả nấy”, hay “không gieo gió sẽ ngừng gặt bão” chưa phải là bí kíp để tạo ra một cuộc sống hạnh phúc, sung túc và tự do thoải mái như ta hằng mong muốn, bởi không có hệ quy chuẩn nào là chuẩn mực và có thể áp đặt cho tất cả mọi cá nhân, mọi hoàn cảnh và mọi thời đại. Vậy nên, dù cho ta có nỗ lực hết mình để gieo thêm thật nhiều hạt mầm tốt đẹp thì không phải lúc nào ta cũng tránh được “nghiệp xấu” và nhận về “nghiệp tốt”.


Chúng ta cần có nhận thức sâu xa hơn và vượt trên lý giải giản đơn về Luật nhân quả rằng “gieo gì gặt nấy”, để hiểu tường tận mối liên hệ giữa Nghiệp với những nỗi thống khổ bất tận của cuộc sống và thấu tỏ quy luật vận hành của Nghiệp đã và đang tác động và cản trở sự bình an, hạnh phúc, vui sống và khả năng tự do kiến tạo cuộc đời của chính mỗi người như thế nào.


NGHIỆP THỰC CHẤT LÀ GÌ?


Nghiệp không phải chỉ vỏn vẹn là một từ đơn giản phản ánh luật Nhân quả - gieo nhân nào gặt quả nấy, mà Nghiệp thực chất là những hiệu ứng tâm lý lặp - Sự lặp đi lặp lại của những cảm xúc và trải nghiệm đau đớn/ khó chịu/ không mong muốn trong cảm nhận của một người. Những cảm xúc và trải nghiệm này được kích hoạt và thổi phồng khi có những sự việc, con người tồn tại một cách không trùng khớp với hệ niềm tin và kỳ vọng mà mỗi người luôn mường tượng và bám chấp trong tâm trí của chính họ về cách mà sự việc, hoàn cảnh, các mối quan hệ cần phải diễn ra như thế nào mới là đúng/ tốt/ nên.


Nghiệp là những hiệu ứng tâm lý lặp, và nguyên nhân của sự lặp đi lặp lại này là sự phản ứng tự động trong vô thức, như một cỗ máy đã được lập trình: khi bấm nút A, chuỗi phản ứng B sẽ xảy ra - khi đối diện với cùng một loại vấn đề/sự vật/hiện tượng (A), chúng ta phản ứng/đối đáp lại một cách tự động (B), dù là chúng tái xuất hiện sau một khoảng thời gian ngắn (vài tuần, vài tháng, vài năm) trong một kiếp sống, hay một quãng thời gian vô cùng dài (qua nhiều kiếp sống), chúng ta vẫn lặp đi lặp lại những chuỗi phản ứng như nhau một cách tự động và vô thức.


Vô thức, tức là không ý thức được, không biết được là mình đang phản ứng một cách tự động. Trong trạng thái vô thức, chúng ta bị cảm xúc và hành động của sự lập trình tự động điều khiển mình, thay vì tỉnh táo lựa chọn cảm xúc và hành động một cách có ý thức.


Khi ta không nhận thức được và không thay đổi được cách chúng ta phản hồi lại với các tác nhân kích động chuỗi phản ứng tự động, ta cứ vô thức lặp đi lặp lại chuỗi phản ứng tự động năm này qua năm khác, kiếp này qua kiếp khác, và trải nghiệm những hệ quả lặp đi lặp lại như nhau.


Sự lặp lại đó tạo nên Thói quen. Thói quen tạo nên lực đẩy (đà) khiến chúng ta bị cuốn vào và không thoát ra được khỏi lối mòn của cách ta phản ứng và cảm nhận trong quá khứ khi một tác nhân xuất hiện trong hiện tại hoặc tương lai. Lực đẩy đó chính là Nghiệp Lực.


Khi sống trong vô thức - khi vòng lặp của Nghiệp chưa được hóa giải, chúng ta mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của Nghiệp lực (hay là cái đà của thói quen phản ứng tự động trong vô thức), và điều duy nhất chúng ta nhận thức được là hệ quả của chuỗi phản ứng tự động đó - đó là cảm giác dằn vặt, đau đớn, bất mãn, bế tắc mà ta phải chịu đựng. Và bởi ta không nhìn thấy vòng lặp trong vô thức của chính mình, ta chỉ biết đổ lỗi cho người khác và cuộc đời trong khi nguyên nhân thực chất gây nên những nỗi đau nội tâm vẫn không được giải quyết, bởi vậy mà chúng cứ lặp đi lặp lại, đời đời, kiếp kiếp…


NGHIỆP ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?


Nghiệp được hình thành và duy trì trong ý thức của từng cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Chúng ta không chỉ đang sống với nghiệp (vòng lặp của những thói quen phản ứng và niềm tin vô thức) của chính mình mà còn mang theo và bị tác động bởi cả nghiệp cộng hưởng (vòng lặp của những thói quen phản ứng và niềm tin vô thức cộng hưởng) của gia đình, cộng đồng, dân tộc, và cả nhân loại trong mỗi thời đại và mỗi kiếp người.


Lần đầu tiên đối diện với một tác nhân (sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó), bản năng tự nhiên của con người (cũng như các loài động vật khác) là ngay lập tức phân loại và lưu trữ trải nghiệm về tác nhân đó trong ký ức: dễ chịu hay đau đớn (an toàn hay nguy hiểm). Sự phân loại cảm nhận đó về cơ bản dựa trên các giác quan vật lý và khả năng tiếp nhận/ phân tích thông tin hữu hạn thông qua tâm trí giản đơn (hay ý thức giản đơn) của mỗi sinh vật sống, nhằm giúp tối ưu hoá khả năng sinh tồn của chúng. Tuy nhiên đối với con người, bản năng đó còn được cộng hưởng với góc nhìn hạn hẹp và ích kỷ của bản ngã (hay cái tôi cá nhân), khiến cho cách ta lựa chọn và hành động phản hồi lại đối với các tác nhân thường chỉ nhằm mục đích bảo vệ cho sự an toàn và lợi ích của riêng cá nhân mình, bởi ta không nhìn thấy bức tranh tổng thể và không ý thức được hoặc không quan tâm đến những hệ quả sâu xa mà lựa chọn và hành động của mình có thể gây ảnh hưởng tới người khác, sinh vật khác, hay tổng hoà các mối liên hệ trong tự nhiên. Lý do là bởi vì, khi tâm trí của con người còn ở trong trạng thái u mê (bị giới hạn trong khả năng nhận thức hạn hẹp và cảm tính của bản ngã), ta hoàn toàn sống trong những niềm tin sai lệch và ảo ảnh về một thế giới lập thể hữu hạn (mà trong đó mọi sự vật, sự việc, con người đều tồn tại một cách biệt lập, không có sự tương quan/kết nối).


Khi một tác nhân xuất hiện trở lại, bản ngã (cái tôi cá nhân của mỗi người) ngay lập tức đối chiếu, phân loại, liên hệ tác nhân đó với những trải nghiệm dễ chịu hay đau đớn trong bộ nhớ, và từ đó phản kháng để bảo vệ mình khỏi những đau đớn mà tác nhân ấy có thể gây ra, hoặc vội vã theo đuổi và bám víu lấy tác nhân ấy nếu bản ngã tin rằng chúng có thể sẽ mang đến sự dễ chịu, an toàn, vui sướng cho mình, dựa trên những trải nghiệm hữu hạn nó từng trải qua trong quá khứ.


Tuy nhiên sự nhận định của Bản ngã thực chất chỉ là sự mường tượng và phán đoán dựa trên những nỗi lo sợ phải chịu đựng sự đau đớn/thiệt thòi, hoặc những khát khao được sở hữu cảm giác dễ chịu. Những phản ứng và hành động bột phát xuất phát từ nỗi lo sợ hoặc khát khao của Bản ngã luôn luôn xuất phát từ cảm quan cá nhân - phiến diện và giới hạn, luôn luôn thiếu những góc nhìn đầy đủ, toàn vẹn, và chân thực về sự vật, sự việc, và luôn luôn thiếu lòng từ bi, thấu cảm, yêu thương đối với con người và vạn vật xung quanh mình.


Khi những suy nghĩ, lời nói và hành động của con người xuất phát từ Bản ngã, những nỗi lo sợ và khát khao luôn hướng về lợi ích của cái tôi cá nhân, chúng phá vỡ sự kết nối hài hoà giữa cá nhân với tổng thể, và thậm chí vô tình gây đau đớn cho người khác và những sinh vật xung quanh mình. Khi cá nhân đó cố gắng tạo vành đai bao bọc cho chính mình và đấu tranh với những sự việc/ con người xảy đến và diễn ra xung quanh mình, sự kết nối hài hoà với tổng thể bị đẩy xa hoặc phá vỡ, cá nhân đó cảm nhận về cuộc sống như một phản lực - cảm thấy mình bị công kích và phải gồng mình chiến đấu; không được yêu thương, thiếu năng lượng, thiếu kết nối, thiếu niềm vui, hạnh phúc trong mọi mối quan hệ và hoàn cảnh. Bởi vậy mà cá nhân đó luôn cảm thấy: thất vọng, mệt mỏi, dằn vặt, mâu thuẫn, bất mãn, và cô đơn giữa cuộc đời - những hệ quả không mong muốn được sinh ra và duy trì bởi chính góc nhìn giới hạn, sự phiên dịch/phán xét/kỳ vọng phiến diện và sự phản hồi/chống trọi bột phát, thiếu bao dung, lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác… Nghiệp chính là vòng lặp đó!


Tóm lại: Nghiệp thực ra là những hiệu ứng tâm lý tiêu cực, được tạo nên bởi cảm giác khó chịu, bất mãn, muốn chống đối, khi thực tại của thế giới không trùng khớp với niềm tin và kỳ vọng phiến diện một chiều của một cá thể dựa trên những hệ quy chiếu và chuẩn mực mà người đó góp nhặt được từ môi trường sống, gia đình, xã hội từ khi sinh ra đến thời điểm hiện tại ở kiếp này; và Nghiệp cũng đồng thời là những khuôn mẫu (mô típ) phản ứng lặp đi lặp lại đã trở thành thói quen và cứ thế bột phát tự động khi có tác nhân kích hoạt mà người đó mang theo từ những kiếp trước đến giờ.


Khi hiểu rõ về Nghiệp và cơ chế sinh ra nó, chúng ta có thể hiểu được rằng, những đau khổ mà ta gặp phải sẽ vẫn còn tiếp diễn khi ta còn mắc kẹt trong vòng lặp bất tận đó cho đến khi ý thức của chúng ta thay đổi – khi ta vượt ra khỏi trạng thái u mê của tâm trí và nhìn nhận được rõ bản chất của mọi vật mọi việc nằm ngoài góc nhìn của cái tôi cá nhân (hay Bản ngã), hay nói cách khác: khi ta sống trong tỉnh thức, thực sự thấu hiểu, từ bi và yêu thương mọi người và cuộc đời như chúng vốn có trong mọi phút giây và mọi hoàn cảnh!


Cách duy nhất để chuyển hoá Nghiệp là dừng lại chuỗi phản ứng vô thức và sự áp đặt lý tưởng cá nhân vào thế giới xung quanh mình, bằng cách sống trong tỉnh thức (tỉnh táo và có ý thức) với sự thấu hiểu, từ bi, trân trọng thực tại và bản chất toàn diện của thế giới và người đời!


Để làm được điều đó, cách duy nhất là thanh lọc tâm trí để có thể thoát ra khỏi trạng thái u mê/mộng mị, để tâm trí trở nên sáng suốt, thanh tịnh và góc nhìn trở nên toàn diện, vượt ra khỏi sự hạn hẹp của cái tôi cá nhân!


***

Việc chuyển hóa Nghiệp của kiếp này hay của nhiều kiếp trước là một – rốt cục đều như nhau, bởi mỗi một lần tái sinh, chúng ta đã mang theo toàn bộ ma trận nghiệp quá khứ tới thời điểm hiện tại.


Bởi vậy, đừng lo lắng về Nghiệp quá khứ, mà hãy quan sát chính những diễn biến tâm lý, những tiếng nói lặp đi lặp lại trong tâm trí, những lối mòn trong cách ta đối diện và phản ứng với mọi trải nghiệm trong cuộc sống, những nỗi bất mãn, dằn vặt, khổ đau, những tham vọng sâu kín mà chúng ta đang mang trong chính mình ngay trong thời điểm hiện tại! - để gỡ bỏ dần cách nhìn nhận, phiên dịch, đánh giá sai lệch và những kỳ vọng mang tính vị kỷ (hướng đến lợi ích và sự tồn tại biệt lập của cá nhân mình) về thế giới và người đời, để tìm thấy an yên cho chính mình, cho những người mình quan tâm, yêu thương, và cho sự tiến hoá chung của nhân loại!


Mọi nỗi đau và khó khăn xảy đến trong cuộc sống, thay vì đổ lỗi cho Nghiệp quả của quá khứ, hãy luôn tâm niệm rằng đó chính là thời điểm và cơ hội để ta thực sự nhìn sâu vào chính mình, tìm ra lối thoát cho những vòng lặp của kỳ vọng và niềm tin mà ta đã vô thức mang theo từ vô vàn kiếp trước và từ khi ta sinh ra ở kiếp này cho đến tận thời điểm hiện tại, để gỡ bỏ chúng - một lần và mãi mãi.



Hãy chia sẻ bài viết và blog này, và theo dõi thông tin trên fanpage facebook.com/hanhtrinhanyen.net để cập nhật thông tin về các chương trình “Thanh lọc tâm trí”, nếu bạn đang kiếm tìm an yên và cách thức tự giúp đỡ chính mình thoát ra khỏi những vòng lặp của kỳ vọng, niềm tin cũng như ảo ảnh của tâm trí và bản ngã.


Trân trọng và yêu thương,

Athena

319 views0 comments

Comments


bottom of page