Bạn đang ở đâu trên hành trình tỉnh thức (P2): Khát khao tìm kiếm câu trả lời
2 – Khát khao tìm kiếm câu trả lời
Những hạt mầm hoài nghi ở Giai đoạn 1 bắt đầu chuyển thành những câu hỏi ý nghĩa. Những chặng đường đầu tiên trong hành trình tìm kiếm câu trả lời.
Ở giai đoạn thứ hai, ta cảm thấy cuộc sống ngày càng “bức bối”. Cảm giác rõ rệt hơn rằng có thứ gì đó không ổn, không thật, hoặc bị bỏ sót. Ta bắt đầu hoài nghi về ý thức đám đông, về hiệu lực của các quy tắc, niềm tin và hệ quy chuẩn của xã hội. Những thứ từng khiến ta hài lòng trước đây bao gồm vật chất, danh vọng địa vị, truyền thống văn hóa hay tôn giáo… giờ không còn thỏa mãn được ta. Những nơi ta từng tới để tìm kiếm câu trả lời cũng không còn có thể củng cố niềm tin và không còn trả lời được những băn khoăn sâu thẳm trong lòng.
Ta hoài nghi đến cả những thứ giúp ta nhận diện và định vị chính bản thân mình, nhưng vẫn cố bám víu vào chúng bởi ta vẫn khát khao tìm kiếm và chứng tỏ giá trị của bản thân, và cũng bởi ta chưa biết đến có điều gì chân thật hơn nằm ngoài những định nghĩa mình từng biết.
Ta tìm cách đổ lỗi cho tôn giáo, cho gia đình, nền văn hóa, chính phủ, thậm chí cả thế giới này về những vấn đề xảy đến, hoặc đổ lỗi cho một ai đó về những rắc rối và những điều mình không hài lòng. Việc đùn đẩy trách nhiệm hay đổ lỗi cho người khác và ngoại cảnh càng chứng tỏ sự bất lực của bản thân, khi mà ta chưa nhận thức được rằng, bước đầu tiên để ta có thể làm chủ cuộc đời mình là “tự chịu trách nhiệm”.
Trong giai đoạn này, ta có xu hướng chuyển từ cách nghĩ, cách nhìn của một “nạn nhân” sang vị thế của “kẻ sống sót”, nhưng vẫn thường xuyên đổ lỗi cho những yếu tố ngoại thân và dày vò sự “bất lực” và “vô nghĩa” của chính mình.
Khi đặt câu hỏi về mục đích sống của ta trong cuộc đời là gì, ta thường phải đối diện với sự hoang mang cao độ, cảm xúc rối ren, lo lắng, bất an, bế tắc, thất vọng và chán nản. Trầm cảm là một biểu hiện phổ biến thường gặp trong giai đoạn này.
Trong sâu thẳm, những câu hỏi “Mình là ai? Vì sao mình lại ở đây? Mục đích sống của mình là gì?!” liên tục xuất hiện trong tâm trí. Chúng thôi thúc trí tò mò và khát khao tìm kiếm câu trả lời.
Và như một lẽ tự nhiên, ta dần dần tìm đọc một số sách về tâm linh, Phật pháp, đi chùa, đọc kinh; tập tành yoga/ thiền/ khí công/ reiki, .., tìm đến những dịch vụ/ những trang thông tin về tử vi/ quy hồi tiền kiếp/ luận giải thần số/ trải bài tarrot, vv.
Với những sự tìm hiểu ban đầu đó, ta bắt đầu thấy thấp thoáng hình như có một chương trình được lập sẵn nào đó vô thức đang điều khiển cuộc đời ta, và ta khát khao cởi trói cho chính mình khỏi những khung lập trình tự động đó và ra sức tìm kiếm cách thức để thay đổi cuộc đời, thay đổi vận mệnh, để có thể tái thiết lập và định vị lại bản thân. Vì thế, trong giai đoạn này, ta thường mê đắm những cuốn sách/ video/ bài giảng về năng lượng/ vũ trụ/ hành trình linh hồn/ hợp đồng linh hồn/ sứ mệnh cuộc đời/ sức mạnh của tiềm thức, và các khóa học/ khóa huấn luyện phát triển tâm thức.
Dấu hiệu rất phổ biến trong giai đoạn này, đó là, ta rất dễ bị cuốn hút bởi những 'sư phụ'/ những 'người đã tỉnh thức'/ những 'người thấy biết tột cùng'... tự xưng là tỉnh thức tối cao hoặc có khả năng cứu rỗi/ chữa lành, bởi ta khát khao được giải thoát, được đổi đời một cách nhanh chóng. Ta mong muốn có được siêu năng lực để có thể kiểm soát/ kiến tạo/ thay đổi/ làm chủ cuộc đời, để đạt được những điều mình 'muốn', thay vì mòn mỏi trong sự hoang mang, vô định, thua thiệt, và cảm giác vô nghĩa, đầy khổ đau, bất mãn ở đời.
Ta lúc này đánh đồng tỉnh thức và tu tập tâm linh với những trải nghiệm tâm linh màu nhiệm, có khả năng nhanh chóng cứu rỗi và giúp ta đổi đời. Ta dễ bị mê đắm bởi một loại giáo pháp, sư phụ, thầy bà, hoặc công cụ, và ta tuyệt đối tin rằng đó là con đường tối cao, siêu việt. Lúc này, ta không chỉ sống với những mặt nạ/ vỏ bọc thông thường như trước đây ta từng sống trong gia đình, xã hội, mà còn khoác lên mình chiếc áo mới mang màu sắc tâm linh, với những định danh mới - một đệ tử/ một học giả của một đạo/ một pháp/ hay một vị thầy đỉnh cao. Ta ra sức bảo vệ cho lựa chọn siêu việt của mình và chỉ trích con đường/ cách thức tu tập của những người xung quanh.
Ta vẫn sống với những niềm tin giới hạn cũ, với đủ mọi cảm xúc cao trào, vì góc nhìn và nhận thức của ta vẫn bị bó hẹp trong khuôn khổ những niềm tin cũ và những khát khao mạnh mẽ của bản ngã.
Với những nỗ lực 'tu học' ban đầu, ta bắt đầu hiểu rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài, nhưng ta vẫn cứ bị kéo vào vòng lặp của tìm kiếm “hạnh phúc ngoại thân”. Ta cũng bắt đầu nỗ lực hơn để sống tốt, làm điều thiện, nhưng chưa cảm nhận được như thế nào là yêu thương, từ bi, thấu hiểu.
Mặc dù ta bắt đầu cải thiện góc nhìn của bản thân, nhưng ta thường vẫn giữ lối tư duy phán xét - phân định “đen – trắng, đúng- sai” như cũ. Nhưng dù gì, đó cũng là những bước tiến đáng quý trên hành trình tỉnh thưởng, bởi các định nghĩa 'tốt/ xấu, đúng/sai' này bắt đầu được điều chỉnh và nâng cấp hơn thành một hệ quy chuẩn mới, mang màu sắc tâm linh hơn và giá trị nhân văn cao hơn trước.
Comments