Đối mặt với “nỗi sợ Cái Chết” - Hé mở một phần ý nghĩa Cuộc Sống
Ego - Cái tôi hay Bản Ngã của mỗi người bắt nguồn từ những giả định và niềm tin về sự tồn tại của mình dựa trên những nhận thức, mong muốn và những nỗi sợ hãi của chính mình, rồi theo thời gian trở thành ý thức mặc định của chúng ta. Khi ta bắt đầu nhận ra đâu là Bản ngã và thôi bị chi phối hoàn toàn bởi cách nhận thức cũng như khát vọng của Bản Ngã, tiếp theo đó ta sẽ cần phải đối mặt và vượt qua NỖI SỢ HÃI. Và nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của Bản ngã, theo tôi, là sự thay đổi/ bất ổn và… NỖI SỢ CÁI CHẾT.
Khi ta phải đối mặt với những đổi thay hay những điều không chắc chắn, chẳng hạn như chuyển đến một thành phố mới, có một quản lý mới, mất việc hoặc chuyển việc, những thách thức trong công việc, thăng trầm trong các mối quan hệ, trải qua một bài kiểm tra hoặc kỳ thi, v.v. hầu hết chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái ở một mức độ nào đó, nhiều hay ít phụ thuộc vào mỗi người. Đó là do Bản ngã của ta đang bị vượt khỏi vùng an toàn và khả năng kiểm soát của nó. Mặc dù loại cảm giác lo lắng và khó chịu này dường như sẽ trở lại bình ổn và biến mất khi những bất ổn ấy trôi qua, nhưng chúng ta chắc không bao giờ sống mà hoàn toàn không lo lắng gì bởi cuộc đời thì hầu như lúc nào cũng đầy rẫy sự thay đổi, không vấn đề này thì lĩnh vực kia.
Dù sao thì, nỗi sợ hãi trước những điều không chắc chắn kiểu như vậy cũng không quá khó để giải quyết, ngay cả khi nó khá phiền phức, rắc rối.
Vậy còn Cái chết thì sao?! Tại sao hầu như ai ai cũng đều sợ chết?
Hãy cùng phân tích xem Bản ngã của ta cảm thấy thế nào.
--*--*--
o “Có phải chúng ta thường không dám nghĩ đến (thậm chí tránh nói về) Cái chết?
Phải, chúng ta thường tránh nhắc đến cái chết của người khác vì điều đó làm cho bản thân ta hoặc những người xung quanh thấy buồn bã, mất mát hoặc nuối tiếc, cũng có khi để tránh quan điểm bị coi là “bất lịch sự”.
o Thế còn cái chết của bản thân ta?! Tại sao ta không thích nói hay nghĩ về Cái chết của chính mình (trước khi mình thực sự bước vào tuổi già hoặc khi bệnh tật ốm đau khiến cuộc sống của ta chỉ còn được tính bằng tháng bằng năm)?!
Bởi vì chúng ta cảm thấy không thoải mái.
o Tại sao chúng ta cảm thấy không thoải mái?
Vì đang sống sờ sờ đây, ai lại đi nói những điều tiêu cực như vậy.
o Tại sao cái chết lại là tiêu cực?
Bởi vì cái chết là sự kết thúc của cuộc sống, chết là hết!
o Bạn đã từng “trải qua” Cái chết để đưa ra giả định rằng Chết nghĩa là mọi thứ đều kết thúc? Mà nếu đúng là một kết thúc thực sự tại sao nó lại tiêu cực?! Không lẽ cái kết một bài hát, một bộ phim, thậm chí là một nền văn minh trong lịch sử, tất cả đều tiêu cực hay sao?
Không phải tất cả kết thúc đều tiêu cực, nhưng ví dụ, mất việc là tiêu cực vì khi đó chúng ta phải vất vả đi tìm một công việc mới; một ngày kết thúc một cách tiêu cực nếu công việc vẫn còn dang dở và deadline thì đang gấp rút…
o Vậy phải chăng sự tiêu cực nằm ở chỗ chúng ta lo lắng vì không thể biết chính xác điều gì sẽ diễn ra sau cái kết thúc đó?! Nếu nghĩ về Cái chết được coi là tiêu cực, thì nó chắc hẳn cũng không tiêu cực hơn so với những điều tiêu cực khác chúng ta liên tục nghĩ đến hoặc đang phải đối diện hằng ngày.
Nhưng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của chúng ta chẳng có tí liên quan gì đến Cái chết cả.
o Sao nó lại không liên quan đến chúng ta? Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ chết mà.
Nhưng ngay bây giờ thì không. Chúng ta vẫn đang sống mà.
o Vậy có nghĩa là chỉ nên nói về Cái chết khi chúng ta sắp chết?
Đúng!
o Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn nó không xảy ra ngay bây giờ hoặc phút tiếp theo, hay ngày mai?
...
o Bạn đang lo lắng và sợ hãi khi nghĩ về Cái chết, và không dám khẳng định khi nào nó xảy ra?
Có lẽ vậy...!"
--*--*--
"Cái chết là nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của Bản ngã bởi vì đó là khoảnh khắc mà Bản ngã mất đi tất cả mọi điểm tựa, danh vọng, tài sản, địa vị, sự bấu víu vào người khác, điều khác, … thậm chí cả cơ thể!”
Chúng ta đã từng nói với nhau rằng chỉ khi ta nhìn thấu và không để Bản ngã chỉ đạo, ta mới có thể thấy rõ hơn Mục đích sống của mình và thực sự Sống với mục đích đó mà không bị tác động bởi Bản ngã. Vậy có phải lúc đối diện với Cái chết dường như là thời điểm tốt nhất để nhận ra Mục đích sống, vì đó cũng là khi Bản ngã không còn nữa?!
Dưới đây là câu chuyện ngắn về một người bạn của tôi ...
"Hôm đó, cô ấy đang lái xe về nhà, sau giờ làm việc, trên con đường cao tốc đông đúc và quen thuộc... Mưa bất chợt rơi nặng hạt, và trời thì chạng vạng tối. Mưa to, trời tối, đèn của các xe khác cùng lưu thông khiến cô khó có thể nhìn rõ mọi thứ...
Đột nhiên, ở một khúc cua, một chiếc xe tải từ phía bên kia đâm thẳng tới phía cô, cô không chắc là do chiếc xe tải hay chính xe của cô đã trật khỏi làn đường của mình... Cô nhìn thấy ánh đèn chiếu thẳng trước mắt, sau đó là tiếng “rầm” rất lớn khi chiếc xe tải kia đâm vào xe của cô... Ngay khoảnh khắc đó, chỉ trong một tích tắc, cô nghĩ mình sẽ chết... Và cũng ngay khoảnh khắc đó, có 2 luồng suy nghĩ xuất hiện trong đầu cô trước khi mọi thứ chìm vào im lặng và trống rỗng, tựa như một giấc ngủ sâu:
§ Điều đầu tiên, cô ước mình đã không cãi nhau với bố mẹ sáng hôm đó. Cô ước rằng mình đã giành thời gian còn lại của cuộc đời để yêu thương trọn vẹn.
§ Điều thứ hai, cô ước mình có thể có thêm một cơ hội, thêm thời gian để Sống và để Yêu: Yêu nắng, yêu gió, yêu dòng nước chảy, yêu những hạt bụi đất, yêu cây cỏ lá hoa, yêu những loài vật khác, yêu gia đình, bạn bè, thậm chí là toàn nhân loại... và có thể tiếp tục sống để chia sẻ với mọi người về những gì cô đã nhận ra khi đó: rằng chúng ta tồn tại là để cho đi và nhận lại Yêu thương.
Vài ngày sau đó, cô tỉnh lại trên giường bệnh, an toàn và lành lặn... "
“Câu trả lời là, chúng ta không cần đợi đến giây phút bản thân chết đi hoặc rơi vào hiểm cảnh buộc phải đối mặt với Cái chết để nhận ra Mục đích sống của mình!”
Cái chết là không thể tránh khỏi và là một quá trình tự nhiên của mọi sinh vật trong Vũ trụ. Giống như cây rụng lá vào mùa thu, để những nụ biếc chồi non nhú lên khi mùa xuân đến. Cái chết sẽ hồi sinh Sự sống, giống như một vòng tuần hoàn trọn vẹn.
Nhận thức được sự “Chết” sẽ khiến con người ta chú tâm và trân trọng hơn vào chính mục tiêu và ý nghĩa của sự “Sống”.
Đối mặt với Nỗi sợ chết chắc chắn không dễ chịu, nhưng thường thì con người chỉ nhận ra giá trị thực sự của một thứ gì đó khi chúng ta sắp mất nó, vì vậy từ việc suy ngẫm về Cái chết, chúng ta sẽ có thể có đôi chút ý niệm về Mục đích của Sự sống.
Hãy dành chút thời gian để trả lời các câu hỏi sau trong tình huống giả định:
Trong vòng 3 phút nữa, không lâu hơn, bạn sẽ chết.
• Bạn ước bạn đã làm được gì trước khi chết?
• Nếu bạn được phép ước một điều, bạn sẽ ước gì ngay khi đó? Phân tích chính xác lý do tại sao bạn lại ước như vậy!!
Suy nghĩ nhanh chóng và viết ra câu trả lời của bạn một cách nghiêm túc và trung thực!
Và giờ, hãy cùng nhìn lại những gì mình đã viết!
Trên thực tế, bạn đang còn sống, vậy nên hãy cố gắng thực hiện hết những điều bạn đã viết ra trong câu trả lời đầu tiên, bởi bạn vẫn đang còn cơ hội để thực hiện những điều đó!
Còn về câu trả lời thứ hai, kết quả này đã hé lộ ít nhiều về Mục đích sống của bạn!
Nếu bạn lặp lại việc hỏi và trả lời hai câu hỏi trên nhiều lần, dần dần với việc tập suy nghĩ một cách nghiêm túc về Cái chết, mỗi lần câu trả lời của bạn sẽ được rút ngắn lại, và cuối cùng sẽ chỉ còn gói gọn trong vài từ. Đó là khi bạn biết bạn đã tìm thấy “nó” - Mục đích sống tối thượng của mình, thứ đã luôn ở bên bạn từ khi bạn sinh ra, và sẽ tiếp tục đồng hành cùng bạn suốt cuộc đời này, cho đến khi bạn mất đi, thậm chí vượt ra ngoài Cái chết!
Tìm được Ý niệm về Mục đích sống là một trong những bước đầu tiên để thực sự sống một cuộc đời có ý nghĩa, khi mà bạn làm mọi việc luôn theo sát và hướng tới Mục đích sống của mình.!
###
P/s: Trong blog này, tôi sẽ cố gắng đưa ra một số (nhưng không giới hạn) những gợi ý mà tôi tin là cần thiết và mỗi người trong chúng ta đều nên nghiên cứu, đó là: Nguyên mẫu trong vũ trụ và Hạt giống của kiếp người, Mặt tối của Bản ngã, Chữa lành vết thương của “đứa trẻ bên trong ta”, Học cách tin vào Vũ trụ. Thấu hiểu những vấn đề này sẽ giúp bạn bước ra khỏi vòng tròn của nghiệp lực (lối mòn trong cách nghĩ, niềm tin và cách hành xử tạo nên sự lặp đi lặp lại của chuỗi hệ quả, như thể đi mãi trên 1 con đường mà lại là đường tròn, điểm cuối lại quay về điểm khởi đầu, và để rồi lại lặp lại vẫn con đường cũ với những trải nghiệm đau đớn cũ, không lối thoát) trong quá trình trải qua Cái chết của Bản ngã để đến với Sự phục sinh của Chân ngã (Con người thật sự của mình hay Phần Cốt lõi của tâm hồn).
_Athena_
Comments