Sống một cuộc đời trọn vẹn!
Từ thuở bé thơ, đa phần chúng ta thả trôi đời mình và cứ thế sống như một cỗ máy được lập trình lái tự động. Cuộc đời là chuỗi việc này nối tiếp việc kia, chẳng mấy nghĩ suy. Ta thức dậy mỗi ngày, ăn sáng, làm vệ sinh cá nhân rồi đi học, đi làm... Tối đến về nhà, ăn tối, xem TV hoặc làm bài tập, sau đó đi ngủ. Khi còn bé, ta thường không có ý thức rõ ràng về việc mình cần phải làm gì. Bọn trẻ chỉ làm những điều mà cha mẹ chúng bảo mà thôi. Mãi cho đến khi bước vào tuổi thiếu niên rồi lớn hơn chút nữa, khi ý thức về bản thân trở nên mạnh mẽ hơn, ta mới bắt đầu chủ động lựa chọn hơn trong những việc mà bản thân thấy cần phải làm: thi được điểm cao, đỗ đại học, yêu đương, kiếm việc làm, rồi nhảy việc để có thu nhập tốt hơn, có một khoản tiền tiết kiệm lớn hơn gửi ngân hàng, rồi kết hôn và sinh con đẻ cái...
Cái mà chúng ta gọi là “Cuộc sống” dường như chỉ là một chuỗi sự việc nối tiếp nhau theo mô-típ chung: “à, tôi cần phải đạt những tiêu chí này bởi vì đó là những chuẩn mực mà xã hội đặt ra, vả lại nó cũng khiến tôi có cảm giác mình đang tồn tại”. Dẫu vậy, những tiêu chí ấy không ngừng thay đổi, mở rộng ngày này qua ngày khác, nơi này qua nơi khác, và sự thỏa mãn hay cảm giác có thành tựu sau khi đạt được những tiêu chí này thường chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Dù là một khoảnh khắc tuyệt vời, một chiến thắng hay thành công vĩ đại, một thất bại đau thương hay một trải nghiệm tồi tệ, mọi thứ đều sẽ đến rồi đi, nhanh chóng bị thay thế bởi những sự việc khác xảy ra sau đó. Mọi trải nghiệm đều chỉ là thoáng qua. Chúng ta thường không bao giờ có thể đạt đến hoặc giữ được hạnh phúc viên mãn lâu dài (tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng ta sẽ không bao giờ bị mắc kẹt mãi mãi trong các tình huống đau khổ/tiêu cực).
Ý thức về bản thân – sự tự định nghĩa và định vị mình là ai của mỗi người – được hình thành bởi suy nghĩ, ý niệm của tâm trí và bản ngã, đồng thời cũng mang tính ảo tưởng và nhất thời. Tâm trí và bản ngã của mỗi người chỉ tồn tại thông qua việc bám víu vào các đối tượng, vật thể tồn tại bên ngoài (ngoại cảnh) ở thế giới vật chất hữu hạn luôn biến chuyển, và bám víu vào những ý niệm/ hình dung mà ta đã tự xây dựng nên ở trong tâm trí mình về các đối tượng, vật thể bên ngoài đó (trên cơ sở những ký ức và trải nghiệm trong quá khứ). Tâm trí, hay bản ngã tự chúng không hề biết mình là ai, là cái gì, chúng tự ngộ nhận rằng: TÔI LÀ chính những đối tượng bên ngoài mà chúng đang bám víu lấy, đang có, đang sở hữu. (Tôi có công việc này, sống ở địa chỉ này, sở hữu căn nhà này, những vật dụng này, làm chức vụ này, vợ chồng con cái như thế này, bố mẹ anh em bạn bè như thế kia, v.v); nếu không dựa vào những yếu tố bên ngoài hay những ý niệm trong đầu về các yếu tố bên ngoài đó, tâm trí và bản ngã không thể tự định nghĩa MÌNH LÀ AI.
Mọi thứ trong thế giới vật chất này đều chỉ là tạm thời, không có bất cứ điều gì hay vật thể nào giữ nguyên được hiện trạng của nó từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc tiếp theo, trong khi bản ngã lại luôn muốn mọi thứ phải nằm trong sự kiểm soát của nó, muốn mọi thứ phải được giữ nguyên đúng tình trạng mà nó đã từng trải nghiệm, để tạo ra được những trải nghiệm giống hệt mà nó đã từng hài lòng trong quá khứ. Tâm trí là một công cụ của bản ngã, mang một sứ mệnh bất khả thi: đó là tìm kiếm giữa thế giới vật chất bên ngoài và cả thế giới nội tâm bên trong những mục tiêu mà khi đạt được sẽ LUÔN “làm hài lòng” bản ngã. Mỗi lần sứ mệnh đó tưởng như thành công: bản ngã đạt được điều chúng muốn và có được cảm giác thỏa mãn trong một khoảng thời gian ngắn nhất định, thì tâm trí lại vẫn tiếp tục thu thập thông tin từ thế giới bên ngoài, phân tích rồi đưa về những dữ liệu mới, và kết quả là dựa trên cách nhìn nhận, đánh giá, phản ứng có điều kiện, bản ngã so sánh những dữ liệu đó với những gì nó đã có, và nhanh chóng khao khát những mục tiêu mới (những vật thể/con người/hoàn cảnh mới) “có vẻ có triển vọng” sẽ mang lại cho nó sự thỏa mãn cao hơn để làm mục tiêu theo đuổi kế tiếp.
Vì lẽ đó, cuộc sống trở thành một cuộc rượt đuổi không ngừng nghỉ để đáp ứng sự thỏa mãn những ham muốn bất tận của bản ngã.
Một hệ quả gần như chắc chắn là, ở đâu đó trong cuộc rượt đuổi không ngừng nghỉ ấy, tâm trí sẽ rơi vào trạng thái hoàn toàn lạc lối – không biết phải hướng tới mục đích gì ngoài việc cứ vô thức mải miết kiếm tìm và đi theo những ham muốn/mục tiêu mà bản ngã khao khát.
Khoảnh khắc ta dừng lại và tự hỏi: “Vì sao chúng ta cứ phải cố hết sức để đạt được một điều gì đó, đến khi đạt được rồi, ta lại nhanh chóng hướng tới những mục tiêu mới mà không thể cảm thấy hài lòng, hạnh phúc, bình yên lâu dài?”, đó chính là khi tâm trí mơ hồ nhận ra có gì đó không đúng – không thật – khi cứ phải rượt đuổi như thế cả đời trong trạng thái phản ứng tự động theo sự lập trình trong vô thức và sự thôi thúc bởi bản ngã. Một khi tâm trí bắt đầu cảm nhận được tiếng gọi trong sâu thẳm đó, nó sẽ thường xuyên phải đối diện với sự mâu thuẫn, hoang mang, bối rối trước hai lựa chọn: tiếp tục cần mẫn phục vụ bản ngã trong vô thức, để rồi phải hết lần này đến lần khác rơi vào đau khổ, bế tắc và tổn thương; hay sẽ tìm kiếm một điều gì đó chân thật hơn, mang lại sự cân bằng, và sự tồn tại của mình trở nên có ý nghĩa.
Mỗi một con người là một tổng hoà của sự kết hợp độc nhất vô nhị của ba yếu tố: một cơ thể vật lý, một hệ thống suy nghĩ, nhận thức và niềm tin mang dấu ấn riêng (chính là tâm trí), và linh hồn (hay tâm hồn).
Sự thỏa mãn, hài lòng không bao giờ là trọn vẹn khi người ta chỉ đạt đến một hay hai cấp độ trong tổng hoà đó của bản thể. Trọn vẹn là trạng thái khi đạt tới sự hài lòng/thoả mãn ở tất cả các cấp độ cùng một lúc, từ thể chất, tâm trí đến tâm hồn (trừ phi bạn là một trong số cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử loài người đã hoàn toàn giác ngộ, thoát khỏi cái gọi là “Cuộc sống bình thường” của một con người trên trái đất này, tức là bạn đã hoàn toàn loại bỏ cảm giác của các giác quan vật lý và tâm trí không còn gắn với với “cuộc sống đời thường”).
Còn lại hầu hết chúng ta - những “người trần mắt thịt” trong một xã hội bình thường và mong muốn được sống một cuộc đời viên mãn, thay vì chỉ cố sức thỏa mãn những ham muốn của bản ngã (thứ chỉ tồn tại và hoạt động trong thế giới trần tục), tâm trí chúng ta phải nhận ra nhiệm vụ thực sự của nó, đó là: tìm kiếm và gìn giữ “điểm thỏa mãn” - điểm cân bằng mà tại đó trạng thái hài lòng đạt được một cách trọn vẹn ở cả thân – trí - tâm. Chừng nào chưa nhận ra điều đó, ta sẽ không thể tránh khỏi những thất vọng, đau khổ và cảm giác sống trong sự vô nghĩa, vô định.
Làm sao để tìm thấy “điểm thỏa mãn” đó?
Trước tiên, ta cần phải biết điều gì sẽ thỏa mãn từng cấp độ tồn tại của bản thân mình.
Thân thể muốn được vỗ về các giác quan: nếm vị ngon, nghe những thanh âm hay, ngắm nhìn phong cảnh đẹp, ngửi những mùi hương thơm, chạm vào những thứ dễ chịu, và tất cả những điều này chỉ xảy ra khi cơ thể ở vào trạng thái hoạt động tốt nhất.
Tâm trí muốn được lấp đầy bởi những suy nghĩ (bất kể là suy nghĩ gì, tích cực hoặc tiêu cực, tốt hay xấu, đúng hay sai).
Còn những gì Linh hồn mong muốn là được biểu hiện và trải nghiệm mọi khía cạnh của nó một cách trọn vẹn và chân thật.
Nếu chỉ nhìn vào mức độ thỏa mãn của thân thể và tâm trí, chúng ta rất dễ bị sa đà trong hàng triệu thứ tưởng chừng như có thể tạo ra sự thỏa mãn này. Thế nhưng, chừng nào mà khao khát của Linh hồn chưa được đáp ứng, thì ta sẽ không thể đạt đến trạng thái an yên trong nội tâm cũng như cảm giác hài lòng trọn vẹn tuyệt đối với cuộc sống, công việc hay các mối quan hệ, vì ở cấp độ tồn tại cao nhất của mỗi con người (phần sâu kín và tâm linh nhất) vẫn chưa được thỏa mãn. Bởi vậy, hiểu được bản chất của Linh hồn là điều kiện tiên quyết để con người có thể định hướng và lựa chọn giữa hằng hà sa số trải nghiệm/sự vật/hoạt động trong thế giới vật chất và tinh thần sao cho phù hợp với khao khát của Linh hồn để đạt đến điểm thoả mãn trọn vẹn ở cả ba cấp độ tồn tại.
Vậy bản chất của Linh hồn là gì?
Hãy cùng trở lại với một Chân lý cổ điển mà tất cả mọi tôn giáo, học thuyết, trường phái tâm linh đã chỉ ra từ buổi hồng hoang của lịch sử loài người:
“Bản chất của Linh hồn (hay Chúa trời hay Phật tính, hay Chân ngã, hay Thiên tính, vv) chính là Yêu thương Thuần khiết và Vô điều kiện”.
Linh hồn chỉ có một khát vọng duy nhất: đó là được biểu hiện và trải nghiệm bản chất của chính nó – sự yêu thương thuần khiết và vô điều kiện – một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Vậy thế nào là yêu thương thuần khiết và vô điều kiện?
Đó là yêu thương khi không bị vấy bẩn/ tác động bởi: sự u mê, làm hại/gây tổn thương, những nỗi sợ hãi, sự dày vò/áy náy, sự dối trá, phô trương, thái quá, sự nghiện ngập, oán giận, sự sở hữu, cay nghiệt, tính vị kỷ và cả những điều kiện cần và đủ đi kèm.
Chỉ khi những trải nghiệm của thân và trí (bao gồm cả suy nghĩ, lời nói và hành động) đều gắn liền với bản chất của linh hồn, thì ta mới tìm được ý nghĩa cho sự tồn tại của mình – khi ấy ta hạnh phúc đến vỡ òa vì ba tầng tồn tại đã hoà vào làm một - ta cảm nhận trọn vẹn sự sống và ý nghĩa của cuộc đời này– bởi khi đó ta trở thành sự bộc lộ trọn vẹn của nguyên mẫu chân thật và nguyên bản nhất trong tâm hồn thông qua thân thể này, thông qua những trải nghiệm của kiếp người này.
Là con người, bất kể đã nhận ra hay chưa, mỗi chúng ta vốn dĩ được tự do – về thân thể và tâm trí - để lựa chọn những điều cần suy nghĩ, những lời cần nói, những việc cần làm trong từng khoảnh khắc, từng tình huống nhất định. Quan trọng không kém, ta cũng hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ để đối diện với bất kỳ hoàn cảnh/ trải nghiệm nào xuất hiện trong cuộc sống của mình (và dựa trên thái độ đó, ta hoàn toàn có thể lựa chọn một hướng suy nghĩ, lời nói và hành động mới).
Làm sao ta có được sức mạnh đó?
Đó chính là sức mạnh tiềm ẩn của tâm trí con người. Khi ta không cảm nhận được sự tự do, đó chẳng qua là vì tâm trí chúng ta đang bó hẹp, lạc lối và bị điều khiển một cách vô thức bởi các điều kiện và hệ quy chiếu xã hội và những khát khao của bản ngã, thay vì lắng nghe những chỉ dẫn, chân lý, và sự thật sâu trong tâm hồn mình.
Chỉ khi tâm trí minh mẫn, bình ổn, có định hướng và phân biệt rõ đúng sai đối với bản thân mình, nó mới có thể giúp ta lựa chọn được những trải nghiệm/đối tượng/hoạt động ở tầng thân thể và tâm trí thuận theo đúng bản chất nguyên sơ của Linh hồn.
Bởi vậy, giữ được sự minh triết và thanh tịnh trong tâm trí cũng như nuôi dưỡng nó bằng những hiểu biết đúng đắn về chân lý là chìa khóa để duy trì “điểm thỏa mãn” - điểm Cân bằng - điểm An yên, nơi mà Thân thể, Tâm trí và Linh hồn tìm được sự kết nối chân thực và trọn vẹn.
‘Tâm trí – tự nó có thể là tài sản lớn nhất, cũng có thể là kẻ thù nguy hiểm nhất của bạn’ (Bhagavad Gita).
Hị chị Nhàn,
Chị Nhàn dạo này khỏe chứ ạ? Đã lâu không thấy chị cập nhật những bài mới trên blog này ạ.
Lý do em "hối" bằng comment vì những bài viết của chị thực sự chạm đến tâm tư, gọi tên được những cảm xúc khó lòng chuyển thành lời.
Love,