Bạn đang ở đâu trên hành trình tỉnh thức (P3): Thức tỉnh tâm linh - An lạc tạm thời
3 – Thức tỉnh tâm linh - An lạc tạm thời
Quá trình tri nghiệm, tìm kiếm, khám phá, tái thiết lập bản thân
- Giai đoạn tưởng an mà chưa an -
Qua 2 giai đoạn trước của hành trình tỉnh thức, ta bắt đầu đi sâu vào nội tâm của chính mình. Trước đó, ta đã bám víu vào mọi nhân tố ngoại thân mà vẫn gần như không thể xoa dịu những mâu thuẫn, đau khổ, bí bức của bản thân, vậy nên giờ đây ta chuyển hướng tìm kiếm câu trả lời từ tận sâu trong nội tâm mình.
Ta bắt đầu dần tháo gỡ hệ tư tưởng đám đông, và dám bước ra khỏi những niềm tin cố hữu đã in sâu trong ý thức được tạo nên bởi nền tảng giáo dục từ cha mẹ, thầy cô, nền văn hóa, xã hội, tôn giáo để bắt đầu bước ra, đi lối đi của riêng mình, để cảm thấy được là chính mình.
Trong quá trình gỡ bỏ những niềm tin cũ, ta có thể phải trải nghiệm những mâu thuẫn, mất mát, tiếc nuối trong môi trường sống và những mối quan hệ cũ, bởi những gì đã từng tương thích với hệ thống niềm tin cũ cần phải tan rã, trước khi thực tại mới được hình thành.
Khi bắt đầu nhận ra ta đã từng sống trong mê muội và nhầm tưởng, ta đồng thời thấy rằng hầu hết mọi người xung quanh vẫn đang chìm trong cơn mê ấy. Ta cố gắng lay tỉnh họ và cố gắng chứng minh rằng họ cần phải thức tỉnh, nhưng nỗ lực của ta thường bị coi là phán xét, dị biệt, khiến ta cảm giác nỗ lực của mình là vô ích và không được ghi nhận, trân trọng.
Không có gì ngạc nhiên, khi càng cố gắng mở mang tâm trí, ta càng vấp phải cảm giác bị công kích từ những người xung quanh, từ gia đình, xã hội, cộng đồng. Và ngược lại, ta vô thức công kích, đánh giá, chỉ trích lối sống của họ mà không hay, vì ta cho rằng họ thiếu tỉnh thức hơn mình.
Ta nhận ra mô hình thế giới mà mình từng là một thành viên trong đó không còn phù hợp nữa. 'Sự cô độc' là cảm giác thường gặp trong giai đoạn này. Giữa biển người bao la, ta thấy như mình là người duy nhất Tỉnh thức; không ai hiểu mình, không ai thực sự kết nối được với mình.
Sau một thời gian nỗ lực thay đổi mọi người, ta dần dần lựa chọn im lặng, lặng lẽ sống theo cách của riêng mình, và âm thầm tìm kiếm (ở đâu đó nằm ngoài các mối quan hệ cũ), hoặc tự mình cố gắng tạo dựng ra một cộng đồng riêng mà trong đó ta cảm thấy tương thích hơn với 'năng lượng' của mình, và có thể được thoải mái, tự do bộc lộ con người mình.
Ta bắt đầu thiết lập và sống với những lựa chọn mới, môi trường, công việc, hoặc lối sống mới, và cuộc sống của ta dần dần được thanh lọc khỏi những tầng lớp của những vỏ bọc, sự giả tạo và những tranh đấu kịch tính/ lộ liễu ở tầng bề mặt. Mọi khía cạnh trở nên tương thích hơn với 'tần số cao'.
Trên hành trình 'tái thiết lập' hay 'kiến tạo mới' bản thân, ta có thể bắt đầu làm quen và đi sâu hơn vào một số phương pháp thực hành tâm linh như thiền định, yoga, Phật pháp, hoặc thực hành năng lượng (reiki, khí công, luân xa, dẫn nhập, thanh âm, ...), khám phá bản thân như nhân số học, chiêm tinh, tarrot, ... hay những phương pháp thực hành chuyển hóa thân tâm khác như nghệ thuật, chuyển động, nhịn ăn thanh lọc, vv. và thậm chí đi vào giảng dạy, viết sách, làm nghề coaching/ chữa lành...
Ở giai đoạn này, ta có thể trải nghiệm những tia linh cảm le lói về sức mạnh của tiềm thức và sự liên kết giữa ý thức với thực tại cuộc đời mình. Nhưng bởi Bản Ngã còn quá mạnh, ta thường bị cuốn hút và lún sâu vào việc tìm cách sử dụng sức mạnh của tiềm thức và những trải nghiệm tâm linh làm công cụ để đạt được những khát khao mới của Bản Ngã, đó là:
. tạo dựng một định nghĩa mới về bản thân mình;
. đạt đến cấp độ tỉnh thức cao hơn;
. kiểm soát được tương lai và cuộc đời;
. đạt được tự do về tài chính;
. xây dựng những lớp vỏ bọc mới, cao cấp hơn/ nhân văn hơn/ tâm linh hơn - một phiên bản không chỉ thành công/ giỏi giang mà còn có giá trị và tỉnh thức hơn người…
Có những khoảnh khắc, từ sâu thẳm trong ta, những tia ý thức trỗi dậy - giống như khi đang ngủ mơ, ta bất chợt trở nên tỉnh thức ngay trong giấc mơ đó và biết rằng mình đang mơ (lucid dreaming). Trong những khoảnh khắc dù ngắn ngủi đó, lần đầu tiên ta ý thức được rằng mọi thứ cần phải diễn ra như thế, mọi thứ đều hoàn hảo, trùng khớp, không nhầm lẫn, thiên vị... Lần đầu tiên, ta cảm nhận được điểm cân bằng - vững chãi - bình an - đầy yêu thương - luôn sẵn có trong chính mình, không thể bị tiêu huỷ hay lay chuyển bởi bất cứ sự việc nào, nỗi đau nào, hay hoàn cảnh nào trong cuộc đời này!
Tuy nhiên, những khoảnh khắc đó thường nhanh chóng tan biến, ta thường bị kéo trở lại với những thói quen và lối mòn suy nghĩ mà ta chưa thực sự bước được ra. Nhưng ta thường rơi vào ngộ nhận rằng mình đã tỉnh thức/ giác ngộ hoàn toàn.
Khi thành thật đối diện với chính mình, ta biết rằng trong nội tâm, ta vẫn thường gặp phải cảm giác hoang mang về 'giá trị'/ 'sứ mệnh'/ 'vị trí'/ hay 'ý nghĩa' về sự tồn tại của mình. Trong sâu thẳm, ta vẫn thường xuyên lo sợ bị thất bại, sợ không được người khác nhìn nhận giá trị thực sự của bản thân mình. Nhưng ta không trả lời được câu hỏi: giá trị thực sự của mình là gì? Hoặc có câu trả lời nhưng bị tham nhũng bởi những khát khao/ mưu cầu bản ngã và những hiểu nhầm từ nhận thức lệch lạc của tâm trí.
Ta vẫn cứ ra sức chứng tỏ năng lực và khẳng định bản thân, kiếm tìm chỗ đứng, đau đáu vươn tới thành công; ra sức tìm cách nâng cấp hình ảnh bản thân, và tạo dựng hình tượng của một 'người tỉnh thức'/ một 'người thầy'/ một 'nhà chữa lành'/ 'người truyền cảm hứng'/ một 'light worker' - với cuộc sống đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần, viên mãn vẹn toàn, nhằm chứng mình giá trị của mình.
Trong giai đoạn này, dù hiển lộ hay sâu kín, nếu thành thật với chính mình, ta biết rằng tâm ta chưa thực sự an, ta chưa đạt tới điểm bình an trọn vẹn, chưa thực sự tỉnh thức và giác ngộ như hình tượng ta mong muốn tạo dựng và trở thành.
Ngọn lửa le lói của những cảm xúc khó chịu, bức bối, những suy nghĩ phán xét, tính toán thiệt hơn, những khát khao, ước vọng vi tế về tiền tài/ danh vọng/ hình ảnh bản thân, và những nỗi thất vọng/ bất mãn về những gì chưa như ý trong đời, vẫn thường xuyên âm ỉ trong ta... Dù không còn sục sôi như trước, nhưng ngọn lửa tham - sân - si vẫn luôn còn đó, chỉ là chuyển thể thành dạng thức vi tế và ẩn khuất hơn.
Giai đoạn này, ta thường chưa đủ nhận thức và tỉnh táo để nhận biết sự có mặt của những cái tham - sân - si và bản ngã tâm linh vi tế đang điều khiển mình, cứ vô tình ta nuôi dưỡng và đắm chìm trong những thứ lý tưởng hay ho mà bản ngã và tâm trí vẽ nên trong đầu. Vì thế mà những khoảnh khắc thực sự an yên, trong trẻo cứ nay nở, mai tàn.
***
Đến một lúc, tự ta cảm thấy thực sự mệt mỏi với những mặt nạ và vỏ bọc của tỉnh thức, bởi vòng lặp của những suy nghĩ rối ren, những mâu thuẫn, thèm khát, hờn ghen, bất mãn, hay phấn khích, tự tôn, tự mãn, ... vẫn cứ lặp đi lặp lại, dằn vặt, giằng xé, và đốt cháy sự trong trẻo, bình yên của tâm trí.
Ta nhận ra, sau tất cả, ta vẫn bị lạc trôi trong những cơn mơ của tâm trí và vẫn bị cuốn vào những thôi thúc/ khát khao không điểm dừng của bản ngã mà thôi.
Khi một biến cố lớn xảy ra, những giá trị tưởng như rất vững chãi, yên ổn... mà ta đã tạo dựng nên, bỗng chốc đều vụn vỡ. Bản ngã của ta hốt hoảng khi cảm thấy như 'cái chết' cận kề, chơ vơ, trần trụi, ko còn điểm tựa để bấu víu. Tâm trí ta bấn loạn, rối ren như giữa biển mây mù... Lúc đó, ta rơi vào trạng thái cao trào của cảm giác hoang mang, vô định, và thất vọng, bẽ bàng khi nhận ra: ta đã luôn sống trong ảo tưởng về tỉnh thức; ta không phải là con người vững chãi, tự tin, giỏi giang, tỉnh thức... mà ta từng nghĩ và tin rằng đó là mình; ta không thể kiểm soát bất cứ điều gì trong cuộc đời này; cuộc đời ta thực ra không có sứ mệnh và không có đích đến...
Cảm giác ấy có thể khiến ta hoảng sợ. Không sứ mệnh, không mục tiêu, không đích đến, ta chẳng biết sẽ phải sống tiếp như thế nào – lẽ nào hành trình tỉnh thức cuối cùng lại chỉ để nhận ra điều vô lý này - lẽ nào cuộc sống lại vô nghĩa đến thế?!
Vật lộn trong sự vô định, trống rỗng, hoang mang, ta càng thêm khát khao được an yên và tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Trong sự khắc khoải đó, ta thành khẩn nhận ra: mọi vỏ bọc bên ngoài và hình ảnh bản thân không giải cứu được cho ta khỏi sự trống rỗng, hoang mang, vô nghĩa trong sâu thẳm lòng mình, và không đem lại an yên, tỉnh thức chân thực, bền lâu.
Trực giác và động cơ trong sáng lúc này sẽ dẫn ta đến với (hoặc quay trở lại với) những người thầy chân chính vẫn luôn luôn ở đó, chỉ lối soi đường, (nhưng xưa kia ta chưa thật sự hiểu), giúp ta dần nhìn xuyên qua chính cái 'tôi' và những niềm tin sai lệch trong tâm trí - nguyên nhân gốc rễ gây nên những dằn vặt, hoang mang, bất mãn ở đời.
Định hướng đúng và nhận thức đúng dần thay thế cho sự hoang mang, vô định. Ta bắt đầu đặt nỗ lực vào việc chuyển hóa lối sống, chuyển hóa tâm trí rối ren và nhìn thấu bản ngã của chính mình.
Hành trình tỉnh thức giờ đây không còn chỉ là ở tầng bề mặt, và không còn bị tham nhũng bởi mục tiêu nâng cấp giá trị bản thân, đạt được những bước tiến tâm linh, hay những thành tựu về vật chất/ tinh thần như trước. Mà đơn giản, nó trở thành quá trình liên tục soi chiếu chính mình trong từng suy nghĩ, từng phản ứng/ cảm xúc, từng tương tác trong cuộc sống hàng ngày, để lựa chọn sửa đổi/ điều chỉnh/ gỡ bỏ từng tầng từng lớp của những mộng mị/ nhầm tưởng của tâm trí, những nỗi sợ, khát khao/ mong cầu của bản ngã, và từ đó bản chất vô thường - vô ngã của mọi sự vật, hiện tượng dần sáng tỏ. Trên hành trình đó, ta mỗi ngày một trở nên bình tâm - thấu hiểu - từ bi - yêu thương - an nhiên vui sống trong phút giây hiện tại, với chính bản thân mình và với tất cả mọi người/ mọi sinh linh/ mọi hoàn cảnh.
Em cảm ơn chị về 3 post nói về sự thật của "thức tỉnh" giả này. Em cũng trải qua 3 giai đoạn trên, nhưng nhận thấy- e luôn bị luân chuyển giữa 3 giai đoạn này không nhất định quá lâu ở giai đoạn nào, ko bền vững. Như con đom đóm lúc sáng lúc tắt, nhưng khi lấy tâm trí mà soi sáng lại thực tại, buông bỏ ngay đó, thì e thấy con đom đóm đó, nó không còn là con đom đóm, rồi khi rời tâm trí e lại thấy nó lại là con đom đóm, nó nhẹ nhàng, thoải mái,khinh an. Vòng lặp của e nó bị như vậy.