Vì sao chiếc lá lại rơi?
Hiểu được Vô Minh - Vô Thường - Vô Ngã - Vô Chủ trong chính các khía cạnh của câu hỏi, bạn sẽ thấy rõ câu trả lời.
*** Bài viết không nhằm mục đích đánh giá, chỉ trích, giáo điều hay tranh luận với bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì. Chỉ là những góc nhìn và chiêm nghiệm người viết ghi lại và chia sẻ khi gặp một câu hỏi rất hay!
Chiếc lá: chỉ là ngôn từ/ khái niệm/ định danh mà con người được dạy để gọi tên một tổ hợp kết cấu vật lý (trong trường hợp này là ‘chiếc lá’) mà người đó nhìn thấy thông qua giác quan vật lý.
. Con vi trùng ko thấy ‘chiếc lá’ là ‘chiếc lá’ mà (nếu thấy) nó thấy đó là cả thế giới/ cả vũ trụ…
. Kính hiển vi ko thấy ‘chiếc lá’ mà thấy lớp lớp tế bào, rồi phân tử, nguyên tử, photon, vv…
. Các máy chụp cắt lớp/ chụp từ trường/ đo bước sóng… cũng ko thấy ‘chiếc lá’ là ‘chiếc lá’, mà chỉ thấy một vùng dày đặc hơn của quang phổ, ánh sáng, với mức độ bức xạ, nhiệt lượng, tần suất giao động nhất định nào đó.
‘Chiếc lá’ chỉ là ‘chiếc lá’ khi nó được quan sát bởi giác quan (con mắt) của con người, và được gắn nhãn bởi tâm trí/ hiểu biết của người đó: rằng cái thứ mà giác quan mình nhìn thấy này là: chiếc lá.
‘Chiếc lá’ chỉ là một sự nhận biết hữu hình, hữu hạn của con người. Bản chất của thứ ta gọi là ‘Chiếc lá’ thực ra là VÔ NGÃ. Tức là tự nó không phải là một chủ thể tồn tại biệt lập, cố định, vững chãi như hình thái mà mắt ta nhìn thấy và tâm trí ta đang gán nhãn/ định danh đó. Chỉ là qua con mắt và tâm trí con người, ta lầm tưởng nó là như thế, tồn tại biệt lập, rõ ràng, mang hình dáng tính chất mà ta gọi là ‘chiếc lá’.
Sự lầm tưởng đó là VÔ MINH - lầm lẫn về dạng thức/ tính chất/ bản chất thực sự của sự vật, hiện tượng, tưởng rằng nó là những gì mình thấy thông qua các giác quan vật lý và tin rằng nó hiển nhiên là thứ mình gọi tên.
‘Rơi’: cũng là một cái nhãn, một ngôn từ hữu hạn mà con người dùng gọi tên một đoạn chuyển động hữu hạn trong sự liên tục lưu chuyển của năng lượng và vật chất.
‘Rơi’ là sự VÔ MINH khi con người gắn nhãn cho một khúc/ một đoạn của chuỗi lưu chuyển liên hoàn của tự nhiên, đóng khung nó trong một dải tần số dao động chậm, lầm tưởng rằng nó là một hành động độc lập, có khởi đầu, có kết thúc, lầm tưởng rằng có chủ thể tạo ra hành động, và lầm tưởng rằng hành động đó có chủ đích, có điểm xuất phát, điểm kết thúc nhất định.
Băn khoăn/ thắc mắc: ‘Vì sao’, ẩn chứa trong nó một niềm tin mặc định rằng có một chủ thể (ở đây là ‘chiếc lá’) đang thực hiện một hành động ‘rơi’, chắc hẳn phải có một nguyên nhân và mục đích nào đó.
Sự băn khoăn đó xuất phát từ việc không thấy được bản chất VÔ NGÃ, VÔ CHỦ, VÔ THƯỜNG của sự vật/ hiện tượng. Đó cũng là VÔ MINH.
Ẩn sau toàn bộ câu hỏi: ‘Vì sao chiếc lá rơi?’ là một sự lầm tưởng của nhận thức nhị nguyên rằng: tôi ở đây, thứ đó/ người đó ở kia, tôi là một chủ thể độc lập, biệt lập, tách rời khỏi tổng thể
=> Có một cái ‘tôi’ đang đặt câu hỏi (để giải toả nỗi băn khoăn, hoặc thử thách kiến thức của ai đó). Người đó thấy rằng ở kia, tách biệt so với cơ thể mình, có một đối tượng là ‘chiếc lá’, và ngoài ra còn có một đối tượng khác là ‘người’ được hỏi. Sự lầm tưởng này, nhận thức nhị nguyên này là VÔ MINH.
Vì nhận thức nhị nguyên, vì VÔ MINH không thấy được bản chất VÔ THƯỜNG, VÔ CHỦ, VÔ NGÃ của sự vật/ hiện tượng, mà khi quan sát sự lưu chuyển liên hoàn của tự nhiên và sự sống, con người tưởng rằng một phân đoạn mình nhìn thấy và gán nhãn đó có sinh, có diệt (chiếc lá sinh ra, nảy nở trên cành, rồi một ngày rơi rụng)… Chấp vào hình tướng mà nảy sinh luyến ái hoặc cảm xúc tiếc, thương, buồn, khổ… khi hình tướng đó thay đổi, dịch chuyển, hay chuyến hoá.
Nếu biết rằng mọi thứ VÔ THƯỜNG, nếu biết rằng VÔ THƯỜNG nghĩa không ngừng lưu chuyển => ta nhận ra không có sinh, không có diệt, không có ‘chiếc lá’, không có việc ‘chiếc lá’ ‘rơi’.
Đức Phật dạy rằng, nguồn cơn của khổ đau là bởi VÔ MINH.
Không phải là vì VÔ MINH mà chiếc lá khổ, sinh ra, rồi rơi rụng; và nếu chiếc lá không còn VÔ MINH thì nó sẽ không còn phải rơi!
Mà VÔ MINH ở tại con người đang lầm tưởng rằng ‘chiếc lá’ có thật, ‘rơi’ có thật, và nảy sinh cảm xúc/ suy tư/ sầu khổ/ bi thương/ ước muốn… liên quan đến hình tướng/ sự việc/ hiện tượng đó.
Sự lầm tưởng này là góc nhìn nhị nguyên, phóng chiếu sự VÔ MINH lên các đối tượng ‘bên ngoài’ và vì thế thường mắc kẹt trong sầu não của thế gian nhị nguyên hữu hình.
Con đường để hết khổ, là nhìn thấu sự VÔ MINH trong nhận thức của chính mình. Nhìn thấu bản chất VÔ THƯỜNG - VÔ CHỦ - VÔ NGÃ của mọi sự vật/ hiện tượng. Nhận ra sự hữu hạn của giác quan và tâm trí. Nhận ra không có diệt, không có sinh, không có chủ thể nào và hành động nào là sầu khổ.
Khi thấu được VÔ MINH, vẻ đẹp hoàn hảo của vòng lưu chuyển không ngừng của sự sống/ của Vũ trụ tự khắc hiển lộ. Ta vẫn nhìn thế gian thông qua các giác quan hữu hạn của con người, vẫn sử dụng ngôn từ và những định danh khi tương tác, giao tiếp. Nhưng khi không lầm tưởng và bám chấp, tâm ta bình an, vững chãi, ko còn sợ hãi, lo âu…
Ta mỉm cười, trân trọng, biết ơn vẻ đẹp và sự hoàn hảo của tạo hoá. Biết ơn cả sự thú vị của những trải nghiệm hữu hạn của thân/ tâm/ trí con người. Biết ơn cả sự VÔ MINH nhiệm màu, kỳ diệu, bởi nhờ nó mà ta đang được ngắm nhìn, đang được trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp hoàn hảo của một ‘chiếc lá rơi’.
🙏🏻
- Athena -
Sư cô tóc dài
Bồ tát Từ Minh

Cảm ơn kênh ạ.