top of page

Hãy chia sẻ bài viết này để giúp cho những thông điệp và chân lý đến được với nhiều người hơn!

Cảm ơn bạn đã đóng góp vào kiến tạo một xã hội mới đầy thấu cảm, an yên và yêu thương!

 

“PHẬT” thực chất là gì?



Trong xã hội loài người và trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta có vô số các cụm danh từ chỉ người như:


- Danh tính dựa theo độ tuổi, giới tính: cô gái, chàng trai, thanh niên, con trai, con gái, đứa trẻ, ông già, bà lão, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác, anh, chị, em, vv…


- Danh tính dựa theo chức năng/công việc: doanh nhân, nhà lãnh đạo, kỹ sư, bác sỹ, y tá, giáo viên, giao dịch viên, học sinh, sinh viên, giám đốc, thư ký, nhân viên, bảo vệ, diễn giả, thông dịch viên, công an, cảnh sát, chính trị gia, vv…


- Danh tính dựa theo tính chất nổi bật: người thành đạt, người tài giỏi, người nổi tiếng, người đẹp, hoa hậu, sinh viên thanh lịch, kẻ xấu, kẻ gian, kẻ trộm, người tốt, người hiền lành, người khó tính, người cáu bẳn, người rộng lượng, người ích kỷ, người giàu, người nghèo, bệnh nhân, tội phạm, vv…


- Danh tính liên quan đến tâm linh (để chỉ những người tu tập, đang tìm kiếm con đường tâm linh hay làm những công việc liên quan đến tâm linh): người tu hành, nhà sư, Phật tử, nhà chữa lành, nhà chiêm tinh, nhà thôi miên quy hồi tiền kiếp, người xem tarrot, doanh nhân tâm linh, thầy bói, cô đồng, pháp sư, nhà giả kim, vv…


Cùng là một người, ở nơi làm việc được gọi bằng chức danh như giám đốc, trưởng phòng, bác sĩ; ở nhà được gọi là bố, là chồng; khi ra ngoài uống cafe được gọi là chú/bác/anh... Đối với bạn tốt, người đó được coi là người tốt, đối với kẻ thù thì bị coi là kẻ xấu, đối với người này họ là một người trầm tĩnh, hiền lành, đối với người khác họ bị thấy là người khó tính, nóng nảy, vv. Tuỳ từng hoàn cảnh, tuỳ theo chức năng, tuỳ vào thời điểm mà tính chất của một người được nhận định và khái quát bởi một định danh phù hợp cho từng mục đích giao tiếp/mô tả.


Để mô tả bản chất tổng thể của một người, chúng ta khó có thể tìm thấy một từ ngữ duy nhất trong tất cả những danh từ chỉ người kể trên (và chưa kể hết) bao hàm được đầy đủ và trọn vẹn tất cả các tính chất của người đó.


Phải chăng nguyên nhân là do sự hữu hạn của ngôn ngữ? Hay do con người chỉ có thể nhìn thấy được một góc cạnh nào đó của vấn đề hay của một con người, không thấy được tổng thể, và vì thế mà hệ ngôn ngữ được tạo ra chỉ có chức năng mô tả được những góc cạnh nhỏ, những phần tính chất phân mảnh nhất định? Hay là bởi vì: quả thật, mỗi con người trong xã hội mà chúng ta biết đến đều mang trong mình những tính chất phân mảnh? Trong mỗi hoàn cảnh, mỗi mối quan hệ, mỗi người có vai vế, đặc tính, chức năng riêng, và bởi vậy không thể chỉ dùng một từ ngữ duy nhất để có thể mô tả đầy đủ và tổng quát họ thực sự là ai, như thế nào!


Trên con đường tiến hoá/con đường tâm linh, mỗi chúng ta đều đang nỗ lực tu sửa và cải thiện bản thân mình, để trở thành một phiên bản tốt hơn, tỉnh thức hơn, thông tỏ hơn và an yên hơn trong chính mình. Chúng ta thường có hình dung mơ hồ về một tổ hợp tính chất mà chính bản thân chúng ta muốn trở thành. Nhưng ta lại thường không gọi được tên, không định hình được rõ ràng và cụ thể là mình đang hướng đến để trở thành một người như thế nào. Đây là một phần lý do vì sao ta cứ mãi mơ hồ, mải miết kiếm tìm TÔI là ai, và TÔI muốn trở thành ai. Ta gắng sức và miệt mài định nghĩa mình bởi đủ các vai trò (những định danh mà ta biết đến, như một số ví dụ kể trên, để áp vào mình) mà cứ mãi loay hoay, không cảm thấy đó thực sự là mình. Bởi 1 vai trò, 1 định nghĩa, hay hàng chục vai trò, hàng chục định nghĩa mà ta áp lên mình đó vẫn đều chỉ là những tính chất PHÂN MẢNH và những ĐỊNH DANH bề ngoài mà người đời dùng trong giao tiếp và sự vận hành của xã hội, chúng không phản ánh được một cách toàn vẹn và đầy đủ về bản chất chân thực của mỗi người, nên dù có liệt kê và khoác lên mình hàng loạt (thậm chí tất cả) những định danh tồn tại trong hệ ngôn ngữ mà mình đã biết đến, ta vẫn không tìm thấy mình trong đó. Và vì vốn dĩ ta chỉ biết đến những định danh hạn hẹp tồn tại trong hệ ngôn ngữ, ta không đủ vốn hiểu biết và không thể hình dung về bản thể trọn vẹn mà mình đang cố gắng trở thành thực chất là gì và như thế nào.


***

Trong quá trình thiền quán chiếu bản chất của sự vật hiện tượng trên thế giới này, chúng ta sẽ ngày càng thấy rõ sự hạn chế của ngôn từ khi được dùng để mô tả những tính chất trừu tượng và tổng quát của sự vật hiện tượng hiện hữu trong thực tế.


Bởi tâm trí con người chỉ vốn quen thuộc với việc sử dụng và tiếp nhận những ngôn từ biểu hiện tính chất phân mảnh và hữu hạn, nên khi nhắc đến “Phật”, tâm trí chúng ta cũng thường chỉ xếp từ ngữ này vào một trong số những nhóm danh tính đặc thù - mang ý nghĩa là một chức danh/tên gọi. Bởi thế mà đa số mọi người trong xã hội hiện đại hiểu về “Phật” đơn thuần là “một bức tượng Phật” ngồi ở bệ thờ của chùa chiền hay bàn thờ Phật để người người tới khấn vái, kêu cầu, cúng dường, hoặc nương tựa để mong được bảo vệ, chở che; hoặc kỹ càng hơn, nhiều người qua đọc sách/nghe kể lại, biết được rằng Phật “là ông Gautama bằng xương bằng thịt trong truyền thuyết sống ở Ấn độ cổ đại, vào khoảng 2600 năm trước, là người đã giác ngộ hoàn toàn, trở thành Phật và sáng lập ra đạo Phật”.


Thực chất, “Phật” là một ngôn từ/danh từ, chỉ cụm tính chất của một con người. Điều đặc biệt là: cụm tính chất này không chỉ là một phân mảnh hạn hẹp thể hiện vai vế/danh phận/độ tuổi/giới tính/chức năng, và cũng không phải là “danh tính tâm linh” như chúng ta biết đến (như trong các ví dụ kể trên). Bởi vậy hai cách hiểu về “Phật” như vừa nói đến đều không phải là bản chất của từ “Phật” khi chúng ta nghe nói đến!


“Phật” thực chất là ngôn từ/danh từ chỉ cụm tính chất toàn vẹn của con người, khi mà một người:


(1). Hiểu thấu và thấy được sự thật nguyên bản về bản chất của kiếp người và bản chất của mọi sự vật, hiện tượng.


(2). Hoàn toàn tỉnh thức, tức là: ý thức trong mọi khoảnh khắc/mọi hoàn cảnh của người đó không còn bị điều khiển hay giới hạn bởi tâm trí bị lập trình và sự thôi thúc của bản ngã.


(3). Sống với lòng từ bi, thấu hiểu, sự trân trọng và yêu thương vô điều kiện với tất cả mọi người và muôn loài.


Một người khi hội tụ đủ và sống đúng với những tính chất này được gọi là Phật, bởi không có bất cứ danh từ nào mà xã hội biết đến và sử dụng trong ngôn ngữ thông thường có thể mô tả được đầy đủ và trọn vẹn những tính chất đó của con người. tổ hợp những tính chất toàn vẹn đó ở một con người được gọi làPhật tính”.


Phật tính” (Hay tổ hợp của 3 tính chất kể trên) chính là những tính chất mà mỗi người chúng ta trên con đường tỉnh thức/con đường tâm linh đang kiếm tìm và sửa đổi chính mình để hướng đến, dù bạn có theo đạo Phật/có phải Phật tử hay không. Và ngược lại, một người không nhất thiết phải giới hạn mình trong 2 chữ “Phật tử”, bởi khi lựa chọn định danh này, chúng ta lại mắc kẹt trong lý thuyết sách vở, ngôn luận của lề lối và giáo lý, thay vì hiểu đúng bản chất của vấn đề mà thực sự trong sâu thẳm mình đang kiếm tìm và hướng đến.


Khi hiểu rõ ý nghĩa của “Phật” và “Phật tính”, nó đơn giản là cụm từ ngắn gọn biểu trưng cho 3 tính chất toàn vẹn mà mỗi người chúng ta hướng đến. Vì vậy: “Giữ Phật trong tâm mình” là điều mỗi chúng ta có thể tự nhắc nhở mình trong tâm trí, để không xa rời mục tiêu hướng mình tới những tính chất đó trên hành trình tỉnh thức của mỗi người. Trước một sự việc, một hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống, hãy tự hỏi mình: “Trong tình huống này, “Phật” sẽ làm gì?”. Câu hỏi này nhắc chúng ta nhớ đến “Phật tính” mà mình đang hướng đến, và nhờ đó giúp ta có thể đưa ra lựa chọn suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động ở cấp độ cao nhất có thể/tương thích nhất có thể với những phẩm chất mà mỗi chúng ta đang rèn luyện mình để trở thành trên con đường tiến hoá và hoàn thiện chính mình.


Bạn thân mến! Không ai ở ngoài kia có khả năng cứu rỗi, chở che cho bạn cả. Chỉ có chính bạn là người phải chủ động và chú tâm thay đổi/tu sửa mình từng ngày, từng giờ, từng khoảnh khắc!


“Phật trong tâm mình” cần hiểu là: sự chú tâm ghi nhớ trong tâm trí của chính mình những đức tính và phẩm chất tốt đẹp của một con người khi thực sự tỉnh thức và tiến hoá mà mỗi người mong muốn trở thành và sống với, như một chiếc kim chỉ nam cho chính bản thân mình không đi lạc hướng trong từng phút giây của cuộc đời!


***

Thay cho lời kết: Trong các bài viết cũng như các hoạt động mà Athena cùng Hành trình an yên đã & đang chia sẻ và đồng hành với tất cả các bạn quan tâm, có rất nhiều nội dung gắn với “Phật” & “Phật tính” đúng nghĩa, trọn vẹn, thuần khiết và chân thực. Hi vọng rằng, mỗi chúng ta đều sẽ thực nghiệm được “Phật trong tâm mình” và cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp đến khắp thế giới này! 🙏🏻

 
 
 

Comments


© 2022 by Hành trình An yên

  • Facebook Social Icon
  • YouTube
  • Instagram
bottom of page