HIỂU ĐÚNG VỀ SỐ MỆNH. MỐI QUAN HỆ GIỮA SỐ MỆNH & TỰ DO KIẾN TẠO CUỘC ĐỜI
Với đa số mọi người khi chưa tìm hiểu sâu về tri thức tâm linh, thường bị ám ảnh ở các mức độ khác nhau về “SỐ MỆNH”. Số mệnh (hay số phận, hay định mệnh) tùy theo cách gọi thường đưa dẫn con người tới cảm giác e sợ giống như có một thế lực vô hình sắp đặt, kiểm soát cuộc đời mình. Hệ lụy của nó là tâm lý buông xuôi, phó mặc thậm chí đổ lỗi cho SỐ MỆNH khi cuộc đời chưa đạt như mong muốn. Đây là cách hiểu sai lệch, trói buộc con người trong giới hạn ngày càng thu hẹp của chính mình và giết dần giết mòn năng lực phát triển tự nhiên vốn có. Bởi thế, hiểu đúng về số mệnh là điều hết sức cần thiết để mỗi người có thể từng bước đạt đến tự do tâm trí và làm chủ cuộc đời mình.
Một sự việc diễn ra trùng hợp ngẫu nhiên, một cuộc gặp gỡ bất ngờ đầy lãng mạn, một cú lội ngược dòng ngoạn mục, hay một biến cố buộc người ta phải rẽ hướng đường đời, có khi đến mức khiến người ta thay đổi cả nhận thức giá trị sống và lẽ sống trước đó là những ví dụ điển hình về những yếu tố con người không thể lường trước, rồi quy về phạm trù SỐ MỆNH. Tâm lý chung khi đụng độ “số mệnh” là người ta mặc nhiên tin rằng mình hoàn toàn không có năng lực phản kháng hay thay đổi, dù trong đầu cũng rối ren vài luồng suy nghĩ; liệu có bàn tay vô hình nào kiểm soát đời mình không? kiểm soát bao nhiêu phần trăm?, nhưng hình như mình chỉ có thể thuận theo sự sắp đặt sẵn mà thôi. Thế đấy, bạn tự biến mình thành con rối trong chính vở kịch cuộc đời mình mà đáng lẽ bạn phải làm đạo diễn.
Bạn đã quên mất thực tế là bằng cách nào đó, dường như rất nhiều lần bạn vẫn đưa ra được lựa chọn của mình, và làm khác đi, phải không?
Vậy rốt cuộc mình có thể làm chủ cuộc đời mình hay không? Mình kiểm soát được bao nhiêu phần trăm các khía cạnh trong cuộc đời mình? Có phải là luôn có cách để đạt được bất cứ điều gì mình muốn như các thuyết Luật Hấp Dẫn và Phép Màu vẫn đề cập hay không?
Chúng ta cùng tiếp cận SỐ MỆNH từ một vài giác độ để từng bước hiểu sâu và hiểu đúng hơn nhé.
HIỂU ĐÚNG VỀ “SỐ MỆNH” TỪ GIÁC ĐỘ “NGHIỆP”
NGHIỆP thường được biết tới bằng thuật ngữ phổ biến NHÂN – QUẢ. Từ thuở sơ khai, trải qua hàng ngàn năm, kể cả tôn giáo hay khoa học đều giáo dục con người nhận thức về Nhân – Quả như một định luật nền tảng, mang tính chân lý đúng đắn để lý giải về sự tồn tại và diễn biến cuộc đời của các sinh vật (bao gồm cả con người) trong kiếp sống này, trong vũ trụ này.
Theo thuyết LUẬT NHÂN – QUẢ, bất cứ sự vật hiện tượng nào xảy ra trong vũ trụ, kể cả khi con người cho rằng nó quá nhỏ bé tầm thường và không mấy quan trọng, kể cả khi con người thấy rằng nó đã kết thúc rồi, nhưng trên thực tế sự việc đó vẫn để lại những dấu ấn và ảnh hưởng hữu hình trong khuôn khổ của thế giới không gian-thời gian ba chiều này hoặc vô hình ở tầng năng lượng (lượng tử). Chẳng hạn khi một giọt mưa rơi xuống mặt hồ phẳng lặng, ta có thể thấy giọt nước ấy nhanh chóng tan vào hồ nước, nhưng những gợn sóng mà nó tạo ra cứ lan rộng dần khắp mặt hồ dù ta có nhìn thấy quá trình này hay không nó vẫn cứ diễn ra.
Trong thế giới loài người có một khái niệm phổ biến để chỉ những hệ quả diễn biến sau khi một sự việc hiện tượng nào đó xảy ra, là “NGHIỆP”. NGHIỆP là thuật ngữ được con người sử dụng cho những trải nghiệm, quan sát và đúc kết về hệ quả phổ biến được gây ra bởi những nguyên nhân phổ biến dựa trên thuyết NHÂN – QUẢ. Tuy nhiên, NGHIỆP thực chất không chỉ đơn giản như vậy.
“Nghiệp” là hiện tượng mà một người PHẢI trải nghiệm lại chính xác những tác động mà hành động/lựa chọn của họ đã tác động/ảnh hưởng tới cảm nhận và trải nghiệm của người khác. Dù là ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thì họ sẽ phải nhận lại và trải nghiệm trọn vẹn những tác động/hệ quả mà người khác đã phải hứng chịu do lựa chọn hành động của họ.
Cùng với quá trình tiến hóa trong nhận thức tâm linh, con người dần nhận ra sự tồn tại của NGHIỆP là một sự thật hiển nhiên, và dần áp dụng sự hiểu biết của mình về “Nghiệp” như một cơ sở để đưa ra các lựa chọn hành động! Khi một người nhận thức được điều gì là tốt hay xấu, đau khổ hay dễ chịu, yêu thương hay chán ghét/sợ hãi,… thì diễn biến hết sức tự nhiên là họ sẽ không mong muốn những điều khiến cho mình và người khác đau đớn, khó chịu, mà thay vào đó, sẽ lựa chọn theo hướng có thể mang tới Tình yêu, Niềm vui, Hòa hợp và Bình yên – đúng như những gì là bản chất vốn có nguyên sơ nhất.
Tuy nhiên khi chưa tỉnh thức, thì với đa số mọi người, hệ ý thức còn ở dạng tự động phản ứng, và chưa nhận thức được tình huống một sự việc xảy ra bởi Nghiệp lực.
Khi một sự việc diễn ra không như ý, với nhận thức và cách phản ứng thông thường, chúng ta thường không nhìn thấy sự móc nối hay nguyên nhân khiến cho sự việc đó xảy ra, mà phản ứng biểu hiện đầu tiên là trạng thái cảm xúc buồn bực và căng thẳng. Bằng ý thức hạn chế của mình, chúng ta không lý giải được tình huống và rất khó chấp nhận những gì đang xảy đến với mình. Chúng ta vô tình đặt mình vào 'chế độ nạn nhân' với những than vãn về “Số mệnh bất công”, và không chấp nhận, không nhìn thấy sự liên kết của việc gì đang xảy đến với mình là đều có lý do riêng của nó. Chúng ta vì thế không nhận ra và không biết rằng đó là cơ hội trải nghiệm quý báu để bản thân trưởng thành hơn.
“Nghiệp” là vòng lặp luẩn quẩn và tiếp nối không dứt. Nếu khi gặp một tình huống không theo mong muốn của bản thân mà ta thể hiện thái độ tiêu cực thì ngay lúc ấy, chính ta vô tình bắt đầu một chuỗi nhân – quả mới, một vòng nghiệp mới trong tương lai. Bản chất biểu hiện của “Nghiệp” vốn là ánh xạ những hệ quả từ lựa chọn hành động của chính ta trong quá khứ, và “Nghiệp” phải xảy ra để ta học được bài học, nhận thức đúng đắn điều nên và không nên làm trong cuộc sống, nhưng ta lại không nhận ra ý nghĩa sâu sắc đó của nó!
Việc bản thân ta lựa chọn thái độ tương tác với “Nghiệp” sẽ quyết định “Nghiệp” này đã hoàn thành sứ mệnh của nó hay chưa.
Nếu ta không nhận thức được bài học để sau này biết hành động đúng đắn hơn thì chắc chắn trong tương lai “Nghiệp” đó sẽ quay trở lại. Đó là lý do vì sao ta cứ phải gặp một kiểu người, một mô tuýp vấn đề hết lần này đến lần khác với diễn biến gần như y chang. Có thể tưởng tượng mỗi “Nghiệp” giống như một cấp học; bạn chỉ có thể lên lớp hai khi bạn đã học xong và “thi đỗ tốt nghiệp” lớp một.
Nhân – Quả đơn giản có thể hình dung là có nhận thì có cho, có vay thì có trả. Hiểu về “Nghiệp”, đặt tâm thế đón nhận Nghiệp để “trả” một cách nhẹ nhàng, bình thản, ta sẽ không còn đau khổ, ta sẽ đúc rút được những bài học giá trị tuyệt vời và trưởng thành vượt bậc. Tuy nhiên để làm được không phải là điều dễ dàng. Giới hạn ý thức của con người trong thế giới thời gian-không gian 3 chiều mà chúng ta đang sống đã làm gián đoạn và cản trở khả năng quan sát mối tương quan giữa những hành động ta đã làm trong quá khứ (gọi là “gieo nghiệp”) với kết quả đưa tới trong hiện tại (gọi là “trổ nghiệp” hay “trả nghiệp”), khiến ta không nhận thức được bản chất vốn có của vấn đề.
Chúng ta không thể nhớ được hết mình đã nghĩ gì, làm gì trong hôm nay, hôm qua hay vài ngày trước; thì làm sao ta nhớ được tất cả những gì mình đã nghĩ, đã làm trong tháng trước, năm trước, nhiều năm trước, nhiều kiếp sống trước??? Gần như KHÔNG THỂ! Ý thức trực tiếp của con người trong kiếp sống này không phải là một chiếc máy vi tính, hoàn toàn không thể nào lưu trữ và lấy bất cứ dữ liệu nào ra dễ dàng với vài cú click chuột. Vì thế, không có gì lạ khi mà một sự việc xảy đến với ta không nằm trong dự đoán, ta không tìm ra bất cứ mối liên quan nào của nó với quá khứ, thì ta thảng thốt giật mình, rồi quy nó thành bất công, vô lý, và đổ lỗi cho “Số mệnh”, hay tặc lưỡi ừ thì trả nghiệp nhưng không rút ra được bài học cho bản thân mình để nghiệp đó được hoá giải.
SỐ MỆNH LÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA LINH HỒN KHI BƯỚC VÀO MA TRẬN VŨ TRỤ VẬT CHẤT
Khi ý thức của con người thoát khỏi thực thể và vượt qua giới hạn không-thời gian hiện tại (nơi mọi thứ được cảm nhận bằng các giác quan sinh lý), thì ý thức khôi phục lại trạng thái thực sự của nó - đầy đủ bản chất toàn diện và không gián đoạn. Lúc đó, ý thức bắt đầu thấy được toàn bộ bức tranh nhân - quả theo đúng trình tự một cách hoàn hảo, thấy được mối tương quan trọn vẹn, không bỏ sót bất cứ dữ liệu nào. Trong trạng thái tỉnh thức này, mỗi linh hồn sẽ thấy rõ hệ quả của những lựa chọn và hành động trước kia sắp xếp theo đúng quan hệ nhân-quả, và như một hành trình tiến hóa tự nhiên, linh hồn sẽ dần hoàn thiện chính nó - điều chỉnh những lựa chọn gây đau khổ (cho cả nó và người khác), hướng đến đưa ra những lựa chọn mới gần hơn với bản chất tốt đẹp nguyên sơ vốn có.
Từ đó, Linh hồn lựa chọn tập hợp cảnh huống mà mình mong muốn được sinh ra (và ‘chết đi’) để tối đa hóa cơ hội giải quyết chuỗi “nghiệp” của mình. Không chỉ vậy, nó còn lựa chọn một số nhân vật quan trọng (những linh hồn khác, thường được gọi là bạn tâm giao/nhóm linh hồn/linh hồn song sinh, những người sẽ chia sẻ các trải nghiệm giống hoặc tương tự của việc “trả nghiệp” với linh hồn đó) để gặp gỡ trong lần tái sinh tiếp theo, nhằm dễ dàng phối hợp và tạo điều kiện cho nhau trong quá trình tiến hóa. (Dẫu vậy, những thứ chi tiết hơn như họ gặp nhau ở đâu và vào lúc nào sẽ có thể thay đổi, tùy vào cách mỗi linh hồn tiến triển với việc “trả nghiệp” của mình đến đâu và mức độ của sự lãng quên khi Ý thức quay trở trong giới hạn của thế giới vật chất và nhân thức của con người. Chỉ khi sự tự nhận thức của mỗi thành viên trong nhóm linh hồn và sự sẵn sàng đạt đến một mức độ nhất định, họ sẽ gặp nhau như thể định mệnh của họ sinh ra là để gặp nhau vậy).
Thế nhưng, Ma trận (về cách linh hồn hoạt động/lựa chọn cảnh huống/trải nghiệm và tương tác với các linh hồn quan trọng khác trong lần tái sinh tiếp theo, tương quan với sự thông linh của chuỗi nghiệp ở mỗi linh hồn) là vô cùng phức tạp, vượt quá khả năng nhận thức và mô tả của ý thức con người.
Vậy chúng ta có hay không có khả năng tạo ra thực tại của riêng mình, chọn trải nghiệm những gì ta muốn?
Phải chăng Linh hồn đã lựa chọn sẵn những điều ấy từ trước khi hiện diện trong cơ thể vật chất của ta trên tinh cầu này?
Câu trả lời là:
PHẢI - Ta sẽ bị kéo từ hệ quả của nghiệp này sang nghiệp khác, chẳng chút sức mạnh nào NẾU ta vẫn còn đắm chìm trong sự quên lãng vô thức, trong trạng thái ‘phản ứng với nghiệp’.
KHÔNG PHẢI - Khi ta học được cách chấp nhận nghiệp của mình và đạt đến tỉnh thức toàn diện, cuộc sống của ta trong từng khoảnh khắc đều là sự biểu lộ của Chân ngã (sự bộc lộ ra thế giới bên ngoài của cốt cách nguyên bản của con người). Nói đơn giản hơn, bạn càng nỗ lực trả nghiệp, càng tỉnh táo nhận thức giá trị của mỗi phút giây mình đang sống bao nhiêu, thì bạn càng có cơ hội sống một cuộc đời trọn vẹn bằng chính con người thực của mình và những khát khao, mong muốn của bạn bấy nhiêu!
Vậy còn những người khẳng định rằng họ đang nắm toàn quyền kiểm soát cuộc đời họ và có thể đạt được "bất cứ thứ gì" họ muốn thì sao?
Này, bạn có thực sự hiểu thấu và cảm thấu ý nghĩa của cụm từ “bất cứ điều gì” không? Đấy là tiền, là những siêu xe hào nhoáng, hay đất đai gia sản, hay quyền cao chức trọng, hay một người tình lý tưởng?
Chúng phải chăng là tất cả những “thứ” mà Bản ngã muốn sở hữu trong thế giới vật chất? Tại sao không có bất kỳ bậc Minh sư nào dạy mọi người cách đạt được những thứ đó trong vài ngàn năm qua? Lẽ nào họ lại không đủ giỏi? Khi đã khai ngộ, họ tỉnh thức và minh triết, họ được giải phóng khỏi vòng lặp của chuỗi nghiệp, họ có thể chạm tới bất cứ điều gì, nhưng tại sao họ không bao giờ dạy mọi người chăm chăm hướng đến tiền bạc, nhà đất hay những chiếc siêu xe đắt đỏ, càng không có bậc Minh sư nào kiếm tiền từ việc dạy người khác bí quyết để giàu sang - điều mà loài người luôn khao khát ở bất kỳ thời đại nào? Tại sao chỉ mới vài năm gần đây của lịch sử loài người, chúng ta mới bắt đầu nghe về Họ?
Bởi vì ngày nay, ta đang sống trong một thế giới phù hoa vật chất hơn bao giờ hết - thế giới mà người ta giành giật nhau để chiếm lấy những thứ Bản ngã coi như chìa khóa đảm bảo sự an toàn và vị thế “đứng trên thiên hạ” của nó - thế giới mà người ta dễ dàng bán chác bất cứ thứ gì trên mạng internet, miễn là họ “đánh đúng” vào những từ khóa mà Bản Ngã của kẻ khác quan tâm.
Đừng bị những ham muốn của Bản ngã dụ dỗ! Bởi nó chỉ giữ bạn lâu hơn, kéo bạn vào sâu hơn trong miền u mê và quên lãng, điều mà sớm muộn cũng sẽ dẫn tới những trải nghiệm đớn đau.
Ai đó có thể có tiền, có nhà, có xe, có những thứ họ muốn tận hưởng và tự hào về điều đó, nhưng hãy nhớ đó chỉ là bối cảnh mà linh hồn họ đã chọn để giải quyết nghiệp trong kiếp này, hoặc là “quả ngọt” của những điều thiện họ đã làm trong quá khứ, và tất nhiên, chúng cuối cùng cũng sẽ hóa hư vô! Câu hỏi đặt ra là, liệu họ có dùng những điều kiện đó để trả nghiệp, để tiến hóa và hướng tới Chân ngã? Hay sẽ coi nó như một thứ công cụ để thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân, vỗ về chấp niệm “ưu việt hơn người” của Bản Ngã?
Hãy nhớ: Tập trung vào hành trình của riêng mình, nỗ lực trả nghiệp, làm điều thiện, thanh lọc tâm trí và duy trì trạng thái minh triết của bản thân!. Đó mới là con đường dẫn đến tự do thực sự và tạo ra giá trị đích thực! Đó mới là con đường để bạn kiến tạo cuộc đời mơ ước của chính mình!
Comments