3. Cuộc sống khi đi làm và sự Trống rỗng của Thành công
Và rồi tôi cũng chính thức đi làm tại một công ty tổ chức sự kiện sau thời gian trải nghiệm một vài công việc bán thời gian.
Khi bắt đầu tìm việc, tôi đã mong muốn tìm được một công việc vừa thú vị, sôi động lại đầy tính sáng tạo, đó sẽ là mảnh đất vàng để tôi được thể hiện đam mê, tài năng và kỹ năng (dù còn non nớt) của mình. Hai tháng sau khi tốt nghiệp, tôi đã nhận được công việc “trong mơ” của mình. Công ty tôi là một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ, ít người nhưng hiệu quả. Tôi vô cùng hào hứng khi bước sang một trang mới của cuộc đời, một chân trời mới đầy hứa hẹn, không còn lo lắng căng thẳng chuyện học hành thi cử, mà lại làm được ra tiền và lần đầu tiên trong đời sẽ không còn cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ nữa…
Mặc dù cũng lo lắng đôi chút về công việc và vai trò mới, nhưng tôi cảm thấy rất tự hào vì mình đã tự nỗ lực để có được cơ hội công việc này. Từ quá trình tìm kiếm, ứng tuyển đến vượt qua vòng phỏng vấn, tất cả đều là do công sức của bản thân tôi mà không phải dùng các mối quan hệ hay nhờ vả gửi gắm, chạy trọt xin việc– một hiện trạng phổ biến ở nhiều nơi theo tôi biết… Tôi bị chính mình thuyết phục rằng mình khá giỏi giang khi làm được vậy, và rằng cuối cùng tôi đã đạt tới cái đích mà bất cứ sinh viên nào khi tốt nghiệp ra trường cũng đều hướng tới: Một công việc mơ ước!
Trong một công ty nhỏ, tôi có nhiều cơ hội được làm việc trực tiếp với sếp, và chẳng bao lâu, tôi đã được giao khá nhiều trọng trách. Có lẽ vì vẻ tự tin, và sự khéo léo che giấu những yếu điểm và thiếu sót trong kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân, nên sếp tôi rất tin tưởng giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng mà không mảy may nghi ngờ về năng lực xử lý công việc của con bé sinh viên mới ra trường như tôi.
Tôi nhanh chóng ghi điểm với sếp và xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp chỉ trong năm đầu tiên làm việc cùng chị. Nhiều lần, trong giờ nghỉ tại văn phòng hoặc nơi tổ chức sự kiện, chị lại giành chút thời gian nói chuyện với tôi về đức tin, về triết lý của đạo Phật, những thứ lạ lẫm mà tôi chưa từng để ý, thậm chí còn chưa hề nghe thấy bao giờ. Những kiến thức mới mẻ lần đầu tiên được tiếp xúc ấy nhanh chóng thu hút tôi, chẳng hạn như khi gặp chuyện không may thì nên thành tâm niệm kinh, lễ Phật để được Đức Phật cứu giúp; hay nếu kiếp này làm điều ác thì khi chết đi, con người sẽ bị đầu thai thành một kiếp người khốn khổ hoặc thậm chí là thành súc sinh để trả nghiệp. Phần nào tôi cảm thấy rất đồng tình với sếp về những quan điểm của chị, bởi từ góc độ nào đó, tôi thấy những điều ấy nghe khá có lý, nó giải thích được vì sao con người gặp phải những vấn đề trong cuộc sống - có lẽ do nghiệp quá khứ gây ra…
Tôi bắt đầu đi chùa, lễ Phật, và cầu Phật che chở khi gặp khó khăn, hoạn nạn, và cũng hay nhắc đến Đạo Phật để giải thích cho những điều khó được lý giải với logic thông thường, và tự coi mình cũng là người bắt đầu có đức tin tôn giáo… Nhưng niềm tin và hiểu biết khi đó chỉ dừng lại ở việc biết đến những cái tên gọi và định nghĩa đơn thuần, ví dụ như: nghiệp, thiền, từ bi, tu, làm việc xấu thì bị quả báo, làm việc tốt sẽ được may mắn, gặp việc xấu thì xin trời Phật giúp đỡ tai qua nạn khỏi, vv… Với tôi khi đó (và có lẽ đối với rất nhiều người khác ở Việt Nam) Đạo Phật là một nơi để được che chở, ban phước, và là nơi để cầu xin những điều tốt hơn trong cuộc sống, hay cụ thể hơn là cầu xin sức khoẻ, tiền tài, danh vọng, tình duyên… bất cứ điều gì mà ta nghĩ sẽ làm cho cuộc sống đủ đầy và tốt hơn.
Khoảng 2 năm đầu, tôi say mê với công việc, và giành gần như toàn bộ thời gian trong cuộc sống chỉ để làm việc. Tôi sẵn sàng thức đêm thức hôm làm việc, thậm chí không có cả ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài công việc chính, tôi còn lập một band nhạc đi diễn hàng tuần tại các quán bar và cà phê nhạc sống trong thành phố. Đó là một khoảng thời gian siêu bận rộn không có chút thời gian rảnh rỗi và nghỉ ngơi. Công việc tôi làm khi đó, cả nghề tay phải lẫn nghề tay trái, cả đi hát quán lẫn việc văn phòng đều khiến tôi có cảm giác mình là một người bận rộn và thành công. Sự kiệt sức và căng thẳng trong công việc dường như khiến tôi càng thêm hứng khởi, kiểu như một con lừa ưa nặng, thích mang càng nhiều và càng nặng trên lưng để cảm thấy thêm có ích cho đời.
Dù chưa bao giờ thú nhận, nhưng khoảng thời gian đó, tôi thực sự thấy rất tự hào và hãnh diện khi nói với gia đình, họ hàng, với bố mẹ và với em gái mình rằng “Con/chị/cháu/em… bận lắm!”. Bận, cho nên chẳng có thời gian liên lạc, hỏi thăm, gặp gỡ. Bận, nên không có thời gian tâm trí mà dành thời gian cho bất kỳ ai. Bận, nên ngày qua ngày chỉ mải miết theo đuổi cái gọi là thành công, theo đuổi cái cảm giác mình là người bận rộn, quan trọng, có tiền bạc, địa vị và thành tựu.
Cuộc sống bận rộn với công việc ấy là nơi hoàn hảo để cái Bản Ngã trong tôi liên tục nuôi nấng và thoả mãn những “khao khát” của nó. Khao khát được ghi nhận và chứng tỏ mình là một người chăm chỉ, hiệu quả, thông minh sáng tạo và tài năng trong công việc. Khao khát được công nhận những kết quả, thành tựu và quyền lực trong mọi lĩnh vực, mọi môi trường. Khao khát được sở hữu hết những món đồ này đến món đồ kia để củng cố cái cảm giác tự chủ về tài chính và lối sống thành đạt.
Thế nhưng, trong lòng tôi lại vẫn cứ luôn thấy trống rỗng, có một thứ gì đó vẫn chưa từng được xoa dịu ở trong tôi. Nỗi Cô Đơn! Nó cứ lặng lẽ ở đó, bất biết tôi đã gặt hái được những thành công bề nổi nào trong công việc và cuộc sống.
À, có lẽ tôi chỉ là cần phải có một vài người bạn chăng?!… Để cuộc sống bớt đơn độc!
Các mối quan hệ bạn bè của tôi khá nhỏ hẹp. Hầu hết bạn của tôi đều là từ các câu lạc bộ sinh viên hồi học đại học, một số ít bạn cấp ba và cực kỳ ít bạn mà tôi quen sau khi ra trường. Những tổn thương trong quá khứ có lẽ đã khiến tôi mất niềm tin, và không còn hứng thú kết giao với những người bạn mới.
Trong những khoảng thời gian hiếm hoi rảnh rỗi, tôi cũng thường tụ tập gặp gỡ những người bạn của mình. Họ đều đáng yêu, vui tính, thông minh và tốt bụng, và hầu hết họ đều có tính cách và sở thích khá “dị”. Tôi ĐÃ luôn tin rằng tôi rất yêu quý họ.
Thế nhưng điều kỳ lạ là, mỗi lần gặp gỡ bạn bè, dù nói cười rôm rả, nhưng tôi vẫn thường xuyên thấy hơi bực bội và thất vọng, khi một đứa bạn nào đó “cao su” và bắt tôi phải chờ, khi một quyết định dù nhỏ xíu nào đó bị thay đổi mà không ai hỏi ý kiến tôi trước, khi ai đó từ chối tôi dù với lý do rất chính đáng, khi ai đó làm một việc gì đó mà không đúng ý tôi, vv…
Tôi không thể chia sẻ những cảm xúc tiêu cực đấy với bạn mình, vì đến chính bản thân tôi còn không lý giải được những cảm xúc này. Tôi cứ chất chứa chúng ở trong lòng và thể hiện thái độ hằn học, khó chịu, mà đôi khi tôi chẳng nhận ra…
Giờ nhìn lại, tôi tìm thấy điểm chung ở tất cả các mối quan hệ bạn bè của mình suốt thời đi học cho đến tận thời điểm đó: Đó là tôi lớn tuổi hơn, hoặc là trưởng nhóm, hoặc là tôi giỏi hơn họ ở một lĩnh vực nào đấy… Liệu việc chọn bạn mà chơi của tôi khi ấy có phải ngẫu nhiên? Hay thực ra đó chính là “hình mẫu bạn bè” mà Bản Ngã của tôi lựa chọn, để đảm bảo rằng tôi luôn được là nhân vật chính, hoặc có tiếng nói, hoặc có ưu thế để được là người cầm trịch.
Có phải tôi chơi với những người bạn của mình chỉ đơn giản vì tôi yêu quý họ, quan tâm họ, và thích cảm giác được ở bên cạnh họ? Hay tôi đã chỉ coi họ là phương tiện mà qua đó cái khát khao có quyền lực, được kiểm soát của Bản Ngã được thoả mãn, và khi có bạn bè, nó che giấu được nỗi cô đơn và nỗi lo sợ bị mờ nhạt?...
Sau này nhìn lại, tôi phải thừa nhận rằng, khi đó tôi chưa bao giờ hết lòng vì bạn bè. Tôi chưa bao giờ thực sự thấu hiểu tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, nhu cầu, ước mong của họ, tôi thậm chí không thực sự lắng nghe, chia sẻ với họ để hiểu được quan điểm sống hay những khó khăn mà họ đang phải trải qua trong cuộc sống. Tất cả những gì tôi quan tâm khi ấy chỉ là chính bản thân mình. Tâm trí tôi khi đó ngập chìm trong những ảo tưởng đầy ích kỷ rằng tất cả mọi người xung quanh và cả thế giới này cần phải nâng niu, xoa dịu tôi.
“Ích kỷ, tự mãn, lợi dụng người khác để tự nâng mình lên…” những nhận xét khó nghe này là một trong số những điều mà khi xưa bạn bè, thầy cô đã từng xả vào mặt tôi hồi tôi mới lớn, tôi đã từng tin rằng đó chỉ là miệng lưỡi độc địa, không đúng sự thật mà họ cố tình đơm đặt về tôi. Nhưng cho đến giờ tôi hiểu ra rằng, đó đúng là những mô tả về chính bản thân tôi trong những thời kỳ non trẻ, đó đúng là cách mà tôi đã từng sống trong mối quan hệ với gia đình và bạn bè mình!
Những thông điệp và những bài học quý báu của đời người đến từ tất cả những nguồn khác nhau trong cuộc sống thường ngày, dẫn dắt chúng ta phải thay đổi, phải trưởng thành, nhưng ta thường không đủ sáng suốt và rộng mở để đón nhận và lắng nghe, nên chúng buộc phải tạo thành những cơn sóng gió lớn hắt mạnh vào mặt để buộc chúng ta phải đối diện, phải chú ý tới chúng để rồi hiểu ra và lĩnh hội những bài học mà chúng ta đã luôn từ chối và bỏ qua!
Nhiều năm trôi qua… Tôi dần dạn dày kinh nghiệm hơn trong công việc, tôi đòi hỏi tăng lương và thường tránh làm thêm giờ. Tôi cũng bắt đầu chán việc đi diễn, khi các thành viên của band đều bận việc riêng và chúng tôi chẳng còn thời gian tập luyện và sáng tạo ra sản phẩm gì mới mẻ hay ho nữa… Cuộc sống bắt đầu một chuỗi lặp đi lặp lại, ngày này qua tháng nọ… Tôi bắt đầu cảm thấy mọi thứ dần trở nên vô vị, mất đi nhiệt huyết, phương hướng và động lực để cố gắng, và thế là câu hỏi ấy lại trở lại trong tôi: Mục tiêu của cuộc sống này là gì? Vì sao tôi lại ở đây? Để làm gì vậy?...
Chẳng phải tôi đã có được một công việc tốt đúng như ước vọng hồi đại học? Tôi đã có việc làm, tôi giờ được tăng thu nhập, được cất nhắc lên vị trí quản lý, tôi có thể mua sẵm những thứ mình thích, trong thời gian công tác tôi còn được du lịch khắp đất nước… Chẳng phải mọi thứ đều diễn ra như tôi từng mong muốn hay sao?! Thậm chí còn hơn cả mong đợi!.
Vậy mà tôi vẫn cảm thấy trống rỗng và mất phương hướng? Vẫn không biết mình là ai và mình đang tìm kiếm điều gì trong cuộc sống này… Không hiểu tôi có vấn đề gì! Tôi không thể giải thích nổi những mâu thuẫn kỳ lạ của bản thân mình. Rốt cục tôi phải làm gì mới thấy thỏa mãn và hạnh phúc đây?!
Hay là, chắc đã đến lúc tôi cần bắt đầu yêu đương và lập gia đình?!… Giống như những bạn bè cùng trang lứa, họ đều có đôi có cặp, đều đang hẹn hò hoặc sắp kết hôn… Có lẽ tôi cảm thấy trống trải là vì tôi đang chưa có ai của riêng mình… Tôi cần một ai đó yêu thương, quan tâm, bảo vệ và đồng cảm với tôi; Tôi cần ai đó luôn ở bên cạnh tôi và chỉ của riêng mình tôi thôi, người sẽ làm tôi vui vẻ, sẽ chia sẻ với tôi mọi điều trong cuộc sống, sẽ an ủi vỗ về mỗi khi tôi buồn… Chắc hẳn tình yêu và hôn nhân chính là thứ tôi cần! Chỉ cần tìm được “một nửa” của mình, tôi sẽ có một nơi để mình thuộc về, những nỗi cô đơn trống rỗng vẫn đeo đẳng tôi bấy lâu sẽ đến hồi kết thúc?! “Một nửa” chính là thứ tôi thiếu, và chính là chìa khoá sẽ đem đến Hạnh Phúc cho tôi?!
Komentar