CÁCH THỨC THANH LỌC TÂM TRÍ
Trong các bài viết và video (trên blog, facebook page và kênh youtube Hành trình An yên), Athena đã nhiều lần chia sẻ và diễn giải vì sao tâm trí có điều kiện và bản ngã của mỗi người lại chính là nguyên nhân dẫn đến cảm giác khổ đau, bất mãn trong cuộc sống, và bởi vậy, con đường dẫn đến nhận thức sáng tỏ, an yên, trọn vẹn là thanh lọc tâm trí và nhìn thấu được bản ngã trong chính mình.
Thực hành 'thiền thanh lọc' là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp thanh lọc tâm trí và nhìn thấu bản ngã, không chỉ gói gọn trong quá trình thiền mà trong mọi phút giây của cuộc sống. Phương pháp này giúp nhìn thấu từng lớp vỏ bọc che đậy Bản ngã và dần phá vỡ tầng tầng lớp lớp thành trì tạo dựng nên Bản ngã và hệ thống niềm tin có điều kiện của con người.
Trong bài viết này, Athena sẽ mô tả khái quát về phương pháp thiền hiệu quả cho việc thanh lọc tâm trí để bạn đọc có thể chiêm nghiệm và tự áp dụng. Sau này, một cuốn cẩm nang có thể sẽ ra đời, hướng dẫn chi tiết hơn về cách thức áp dụng phương pháp này đối với từng suy nghĩ cụ thể thường xuất hiện trong tâm trí của mỗi người hiện đại. Hiện tại, những hướng dẫn căn bản về phương pháp này đủ để giúp cho mỗi người có thể tự bắt đầu thực hành thanh lọc tâm trí và chuyển hóa chính mình, và qua đó xây dựng được những kỹ năng căn bản cần thiết cho những bước tiếp theo.
CÁCH THỨC THỰC HÀNH THIỀN THANH LỌC TÂM TRÍ:
Khi bắt đầu ngồi xuống thực hành thiền:
- Trước hết, tập trung vào việc trầm tĩnh tâm trí bằng việc sử dụng các kỹ thuật Thiền thư giãn/Thiền tĩnh tâm (tập trung toàn bộ sự chú ý của tâm trí vào quan sát một chủ thể ví dụ hơi thở, hoặc một đối tượng tự chọn khác như một câu chú/mantra, hình ảnh phật, bài kinh, tiễng mõ, hay một bản nhạc, mùi hương, lần tràng hạt, vv.) cho đến khi cảm thấy tâm trí bớt lộn xộn, hơi thở nhẹ nhàng hơn, cơ thể thư giãn hơn.
- Khi đó, bắt đầu đồng thời hướng sự chú ý vào quan sát tâm trí. Mỗi khi bất chợt nhận ra mình vừa suy nghĩ về điều gì đó, hãy áp dụng quy trình tự vấn dưới đây ngay lập tức!
I. Tự đặt câu hỏi: Suy nghĩ vừa xuất hiện là gì? (What was the thought?)
Câu hỏi này hướng vào suy nghĩ ĐẦU TIÊN xuất hiện trước khi bạn bị cuốn vào cả một chuỗi suy nghĩ kéo theo từ suy nghĩ ĐẦU TIÊN đó. Bạn có thể lội ngược dòng suy nghĩ, để tìm kiếm suy nghĩ đầu tiên xuất hiện là gì.
Nếu bạn không nhớ được suy nghĩ đầu tiên xuất hiện là gì, không sao, tạm thời bỏ qua nó! Và đơn giản là quay trở lại tập trung sự chú ý vào chủ thể mà bạn chọn để tĩnh tâm/thư giãn. Tiếp tục quan sát kỹ tâm trí để lần này ko bỏ sót khi một suy nghĩ mới xuất hiện! Xác định xem suy nghĩ vừa xuất hiện đó là gì, trước khi nó kéo bạn lạc trôi trong một chuỗi những suy nghĩ khác nảy sinh từ nó.
--> Khi bạn nhận biết được suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí là gì, hãy chuyển sang câu hỏi tự vấn thứ II:
II. Tại sao suy nghĩ này lại xuất hiện? (Why the thought?)
Để hiểu được phần diễn giải dưới đấy liên quan đến những câu trả lời cho câu hỏi này, bạn cần có một nền tảng hiểu biết nhất định về hệ quả của sự tác động của bản ngã và tâm trí có điều kiện. (Bạn có thể xem lại nội dung của workshop Thanh lọc tâm trí buổi 1 trên kênh youtube Hành trình An yên www.youtube.com/watch?v=BDI1EpQVlOY&list=PL0ksZo1RT4BUzCV5_v6vrD5KSKSkmMRlu&index=10)
Khi bạn nhìn mọi thứ qua một tâm trí với những niềm tin giới hạn (thường gọi là tâm trí bị lập trình) và khi xu hướng của những suy nghĩ, lời nói, hành động của bạn nằm dưới sự xúi giục/điều khiển bởi bản ngã, bạn không nhìn thấy được và ko thể lĩnh hội được sự thật, và không thể tìm thấy an yên trong chính mình.
Bởi vậy, nếu bạn thực sự đang tìm kiếm và hướng tới an yên nội tại, chân lý và sự thật, bạn cần phải huấn luyện chính mình để có khả năng tách mình ra khỏi hệ niềm tin giới hạn trong tâm trí và sự kiểm soát của Bản ngã/cái tôi của chính mình!
Cách thức giúp bạn làm được điều đó là huấn luyện tâm trí của chính mình trong quá trình thực hành thiền thanh lọc tâm trí với những câu hỏi tự vấn này, để tâm trí dần trở thành công cụ (hữu hiệu và duy nhất!) giúp bạn nhận thức được và phân định được 4 loại suy nghĩ đã và đang liên tục bồi đắp, củng cố Bản ngã và những niềm tin giới hạn/sai lệch, là nguồn cội của những rối ren và khổ đau. 4 loại suy nghĩ này thường xuất hiện trong quá trình thiền và liên tục chiếm lĩnh tâm trí bạn mọi lúc mọi nơi trong đời sống thường ngày. (Ngoài ra còn có một số loại suy nghĩ vi tế hơn nữa nhưng chúng ta sẽ đề cập tới sau này).
4 loại suy nghĩ này xuất hiện trong tâm trí chúng ta cả khi tỉnh lẫn khi mơ, và thường thì chúng ta chỉ mặc nhiên lạc trôi, đắm chìm trong những dòng suy nghĩ đó mà ko hề hay biết, như khi chúng ta lạc vào những giấc mơ hằng đêm - những giấc mơ kéo ta đi chứ chúng ta (đa phần) ko hề có khả năng nhận biết và điều hướng chúng.
Thực hành thiền là hội duy nhất nếu chúng ta muốn huấn luyện tâm trí của mình để có thể quan sát và nhận biết suy nghĩ của chính mình - nhận biết chính những cơn mơ đã và đang bồi đắp thành trì của Bản ngã và hệ thống niềm tin giới hạn mà mình đã và đang bị cuốn vào, lạc trôi, luân hồi trong đó.
4 loại suy nghĩ đó là:
1. Ký ức: một suy nghĩ (tự phát, có hoặc ko chủ đích) về một trải nghiệm trong quá khứ gắn với các giác quan (bao gồm cả trải nghiệm vừa mới xảy ra hoặc đang xảy ra). Đó là ký ức về những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy, nếm/chạm/ngửi thấy. Ví dụ như hình ảnh/tình huống về một sự vật/cảnh quan/con người nào đó, một âm thanh hay lời nói nào đó, một vài thứ đồ ăn thức uống nào đó, một sự va chạm hay tiếp xúc/tương tác với một đối tượng nào đó...
Loại suy nghĩ này là nền tàng hình thành nên và củng cố sự BÁM CHẤP vào những đối tượng tạo nên trải nghiệm dễ chịu của các giác quan, và sự OÁN GHÉT/XA LÁNH đối với những đối tượng tạo nên trải nghiệm khó chịu của các giác quan! Ký ức là nền tảng tạo nên và duy trì sự phân mảnh của nhận định trong tâm trí: Thích và không thích.
Ký ức là một dạng vật chất rất vi tế, và nhờ có nó mà những niềm tin giới hạn một người mang theo trong tâm trí, về chính bản thân mình (sense of self) và về thế giới xung quanh mình, liên tục được bồi đắp, củng cố, và không bị đứt đoạn! Nếu ko có ký ức, cái "tôi" và niềm tin của "tôi" về bản thân mình và về thế giới không thể tồn tại!
--> Khi nhận ra được: suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí thuộc loại "Ký ức", hãy kết thúc việc nhận định và tự nhắc mình (vài lần) trong tâm trí:
DỪNG LẠI NHỮNG KÝ ỨC!
--> BÌNH AN TRONG GIÂY PHÚT NÀY!
Sau đó, chuyển sang câu hỏi số III
2. Hoạch định tương lai: một suy nghĩ (tự phát, có hoặc ko chủ đích) về một việc mình dự định sẽ làm, phải làm hoặc muốn làm, và về thời gian, cách thức thực hiện việc đó như thế nào.
Những suy nghĩ này bắt nguồn từ Bản ngãvà là cơ chế mà Bản ngã dùng để định hình/phác thảo một bản đồ, lộ trình, cấu trúc cho những trải nghiệm cuộc sống mà nó cảm thấy chắc chắn, an toàn, quen thuộc, dễ kiểm soát, nhằm né tránh những điều bất ngờ trong tương lai nằm ngoài hiểu biết và tầm kiểm soát của nó. Vì sự hoạch định này mà Bản ngã giới hạn/gò ép những khả năng/sự sáng tạo vô tận của sự sống/vũ trụ vào những khuôn khổ hữu hạn, nhỏ bé, những kế hoạch/chương trình/hành động dập khuôn, dễ quản lý, phán đoán, trong tầm kiểm soát.
--> Khi nhận ra được: suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí thuộc loại "Hoạch định tương lai", hãy kết thúc việc nhận định và tự nhắc mình (vài lần) trong tâm trí:
BẢN NGÃ NÀY KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT CUỘC ĐỜI!
--> TIN TƯỞNG VÀO SỰ SẮP XẾP DIỆU KỲ CỦA VŨ TRỤ!
Sau đó, chuyển sang câu hỏi số III
3. Hình dung và suy diễn: những dòng suy nghĩ đan xen nhiều chiều khiến bạn lạc trôi trong đó. Chúng thường bắt nguồn từ:
- SỰ THÈM KHÁT hoặc BÁM CHẤP của Bản ngã vào một đối tượng như:
• Mơ ước/thèm khát những gì mà người khác (có vẻ) đã có được, đã đạt được. những suy nghĩ này đi kèm với cảm giác: ghen tỵ, khó chịu, thất vọng, tủi thân, hoặc ngược lại (ngưỡng mộ, choáng ngợp…).
• Hình dung/tưởng tượng về những gì đem lại cảm giác sảng khoái, dễ chịu, đầy đủ/dư dả (về của cải, sự quan tâm/yêu thương từ người khác, công danh/thành tựu trong cuộc sống...).
• Suy nghĩ ám ảnh ko ngừng về một người hoặc một điều gì đó mà bạn mê đắm/ yêu thích hoặc căm ghét/oán hận/ghen tị với.
Bản ngã luôn muốn định vị chính mình, là:
. Người tận hưởng
. Chủ sở hữu
. Chủ thể của hành động và kết quả.
Tất cả những vai trò này liên tục luân chuyển/ko vững chãi, và đều chỉ là ảo tưởng của bản ngã. Bản chất của sự vật sự việc bị che phủ dưới cái bóng của cái tôi với những vai trò đó.
- NỖI SỢ: thường là những suy nghĩ dạng:
. phân tích, đánh giá, so sánh, đưa ra những phán xét/kết luận hay giả định/suy diễn về ai đó/ điều gì đó/một thông tin hay một chuyện gì đó…
. mường tượng/suy đoán về việc mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào và kết quả sẽ ra sao trong tương lai.
. tưởng tượng/hình dung về những điều bất ổn, ko dễ chịu, không suôn sẻ xảy ra.
Những nỗi sợ của Bản ngã chung quy lại bao gồm:
. sợ bị đau đớn (thể xác và tinh thần)
. sợ bị nhìn thấu động cơ và bản chất ích kỷ của bản thân
. sợ bị chết
Tất cả những nỗi sợ hãi này thực ra rất phi lý, ko có tác dụng gì khác ngoài việc bồi đắp sự tồn tại của Bản ngã và thu hẹp những khả năng vô tận của trải nghiệm và tạo hóa, che mờ ý thức và sự thật.
--> Khi nhận ra được: suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí thuộc loại "Hình dung/Suy diễn", hãy kết thúc việc nhận định và tự nhắc mình (vài lần) trong tâm trí:
DỪNG LẠI NHỮNG SUY ĐOÁN VÀ TƯỞNG TƯỢNG!
--> TIN TƯỞNG VÀO SỰ SẮP XẾP DIỆU KỲ CỦA VŨ TRỤ!
Sau đó, chuyển sang câu hỏi số III
4. Cảm xúc bị vùi dập: Những cảm xúc mà chúng ta giấu diếm hoặc kìm nén (dù là vô tình hay cố ý) thường xuất hiện trong quá trình thiền (và cũng có thể xuất hiện bất chợt trong tương tác ở đời sống hàng ngày), và biểu hiện là nước mắt bỗng nhiên trào ra, cảm xúc mạnh mẽ nổi lên cuồn cuộn (buồn bã/ tức giận / thất vọng / đau khổ/ tiếc nuối/ xót xa, v.v.), kèm theo sự xiết lại/căng thẳng của một số hệ cơ và bộ phận trên cơ thể.
Nếu những cảm xúc này xuất hiện trong lúc thiền, hãy quan sát quá trình nó diễn ra một cách bao dung, kiên nhẫn. Hãy cho phép bản thân được giải phóng khỏi những cảm xúc đó, và đồng thời chú ý quan sát những suy nghĩ xuất hiện tiếp theo song song với những cảm xúc đó là gì. Chúng thường là sẽ hé lộ những vấn đề tâm lý chưa được giải quyết trong quá khứ và những niềm tin sai lệch cần phải được gỡ bỏ và chuyển hóa.
Trong trường hợp này, hãy áp dụng các câu hỏi tự vấn Gỡ bỏ lập trình tâm trí và Chuyển hoá cảm xúc thành tâm Từ bi đã được chia sẻ trong workshop Thanh lọc tâm trí (video có trên kênh youtube Hành trình an yên) để giúp chuyển hoá và giải quyết những vấn đề tâm lý này.
--
Việc quan trọng nhất cần rèn luyện trong quá trình thiền thanh lọc/ huấn luyện tâm trí là như vậy: nhận biết và xác định được suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí của bạn thuộc loại suy nghĩ nào và loại suy nghĩ đó có vai trò như thế nào trong việc củng cố và duy trì tâm trí có điều kiện và bản ngã của chính bạn.
---> Sau khi đã nhận biết được và hiểu được nguồn gốc của từng loại suy nghĩ như phân tích ở trên và thay thế chúng bằng những câu mệnh lệnh chuyển hướng tâm trí, chuyển sang câu hỏi III (câu hỏi cuối cùng) trong quy trình này:
III. Khi suy nghĩ đó ko còn, cảm giác lúc này như thế nào? (Without the thought, how does it feel now?)
Khi đặt câu hỏi này, hãy để tâm trí bạn trải nghiệm cảm giác thả lỏng và rộng mở khi ko vướng bận và ko bám chấp vào suy nghĩ đó! - một cảm giác nhẹ nhõm, dễ chịu, thênh thang và tự do.
Cảm nhận khoảng lặng bình yên, trong trẻo và trọn vẹn của tâm trí lâu nhất có thể, cho đến khi một suy nghĩ khác lại xuất hiện trong tâm trí.
Lặp lại quy trình tự vấn trên mỗi khi suy nghĩ lại xuất hiện cho đến khi kết thúc buổi thiền!
---
Phương pháp thiền thanh lọc tâm trí đem đến sự chuyển hóa sâu sắc trong cách nhìn nhận, suy nghĩ, và phản ứng trong cuộc sống nếu bạn thực hành một cách kiên trì và nghiêm túc. Ngoài những buổi thiền, áp dụng những câu hỏi tự vấn này mọi lúc mọi nơi khi có thời gian tĩnh tâm, suy ngẫm. Phương pháp này không chỉ giúp bạn tìm thấy an yên nội tại mà nó còn là quá trình chuẩn bị thiết yếu tiến đến sự mở rộng nhận thức và khả năng lĩnh hội những chân lý sâu hơn, vi tế hơn sau này!
---
Athena
Comments