top of page

Hãy chia sẻ bài viết này để giúp cho những thông điệp và chân lý đến được với nhiều người hơn!

Cảm ơn bạn đã đóng góp vào kiến tạo một xã hội mới đầy thấu cảm, an yên và yêu thương!

 

1. 18 năm tuổi thơ và những câu chuyện chưa từng được kể

Hồi còn nhỏ, tôi là một đứa bé tươi tắn vui vẻ, nhưng có lẽ hơi cô lập.


Tôi được gửi đi nhà trẻ từ hồi mới 6 tháng tuổi vì cả bố và mẹ đều đi làm nhà nước và phải làm việc cả ngày. So với bây giờ thì đi trẻ từ 6 tháng tuổi có vẻ hơi sớm, nhưng là phổ biến vào thời kỳ đó khi ở Việt Nam, hầu hết người dân đều phải lao động miệt mài để xây dựng kinh tế và phục hồi tổ quốc sau chiến tranh.


Khi tôi được 2-3 tuổi và đã biết tự chạy nhảy chơi đùa một mình, bộ phận nơi bố tôi làm việc bị giải thể vì không còn cần thiết sau chiến tranh, vậy nên ông quyết định ở nhà làm thợ may. Thế là tôi không đi nhà trẻ nữa mà ở nhà với bố. Ngày ngày, nếu như tôi không ngồi ngẩn người xem bố kiên nhẫn và khéo léo biến những mảnh vải vô tri thành áo sơ mi và quần dài đẹp đẽ, thì lại dành thời gian chơi với búp bê và chó mèo, chim, chuột, hay lang thang sang vườn nhà hàng xóm, lân la ra mấy hàng rào gần nhà tìm nụ, tìm hoa và sâu bọ.


Tôi nhớ như in hình ảnh của “con bé tôi” ngày ấy, cứ đứng ở hàng rào bên ngoài nhà trẻ hóng bọn bạn chơi đùa và làm theo những gì cô giáo dạy. Tôi nhớ mình đã luôn muốn được đi học giống như chúng nó. Tôi nhớ mình đã chờ cả ngày đến khi các bạn tan lớp để hỏi xem bọn nó học được gì mới hôm đó. Có lẽ việc dành phần lớn thời gian để quan sát cây cỏ lá hoa, động vật, bố tôi, bọn trẻ và mọi người đã góp phần tạo nên thiên tính tĩnh lặng của tôi sau này – chìm trong những nghĩ ngợi, suy ngẫm và hay đặt câu hỏi về những ý nghĩa ẩn đằng sau những gì mình đã quan sát.


Bằng cách nào đó trong những năm tháng này, bố mẹ đã xoay sở dạy tôi nhận mặt chữ và học toán. 5 tuổi, tôi đã đọc được sách báo. Thậm chí tôi còn dạy cả cho đám bạn 6 tuổi 7 tuổi 8 tuổi biết làm toán, vẽ tranh, đọc sách, viết chữ.


Đến năm 7 tuổi tôi mới chính thức đi học. Tôi chắc không chỉ là đứa “già” nhất khối, mà còn là đứa biết nhiều nhất nữa. Cũng chẳng rõ như vậy có phải là tốt hay không. Chỉ nhớ tôi đã rất tự hào về bản thân khi nhìn bạn cùng lớp như một bọn nít ranh chẳng biết gì.


Hết lớp 1, nhà tôi phải chuyển đến một thị trấn cách đó vài trăm km vì nơi tôi ở bị nước lũ phá hủy. Tôi không nhớ gì về chuyện đó, chỉ nghe bố mẹ kể lại là rất nhiều người đã chết, nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi. Bố tôi và những người lớn khác cũng đã cố gắng cứu người nhưng vẫn có rất nhiều người đã bị nhấn chìm trong cơn lũ dữ. Nhà tôi là một trong những ngôi nhà may mắn an toàn vì nằm trên đồi cao. Nhưng một phần lớn của thị trấn bị tàn phá và vẫn tiếp tục gặp nguy cơ lũ quét mỗi mùa mưa đến.


Chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới ở thị trấn Điện Biên Phủ. Tôi học rất giỏi và được bầu làm lớp trưởng. Hai năm sau, tôi trở thành liên đội trưởng, và vẫn duy trì thành tích học tập cũng như hoạt động phong trào xuất sắc đó cho đến khi học hết lớp 12.


Năm 13 tuổi, “cuộc khủng hoảng” đầu tiên xảy ra, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Tất cả bạn bè trong lớp và hầu hết các thầy cô giáo đều quay lưng lại với tôi và ném vào tôi những lời lẽ cay nghiệt và độc địa, biến tôi trở thành hình ảnh một đứa trẻ xấu xa, hư đốn, tồi tệ và đáng ghét. Và họ thực sự đã thành công.


Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi tự hỏi mình, Cuộc sống là gì? Tại sao tôi lại ở đây? Tôi sinh ra để làm gì? Vì tôi thực sự không thể hiểu điều gì đang xảy ra và tại sao tôi lại phải trải qua những điều tệ bạc, bế tắc như thế.


Tôi chẳng nhớ rõ những tin đồn và những lời bịa đặt lan truyền khắp cả trường như thế nào. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được trải nghiệm đau đớn khốn khổ khi phải đối mặt với sự gièm pha và ngược đãi, không chỉ sau lưng mà ngay trước mặt, mà không có cơ hội để giải thích, liên tục trong hai năm cho đến khi tôi vào cấp ba. Ở trường mới, tôi gặp thầy cô giáo mới, và bạn bè cũ cũng tản mác đi các trường, các lớp khác, vậy là tôi tạm yên thân.


Tuy nhiên, giống như chim sợ cành cong, tôi trở nên sợ nói chuyện, sợ cả việc thể hiện bản thân mình. Tôi e dè sợ hãi cả việc được làm “cán bộ”, đạt điểm tốt hay hoạt động phong trào giỏi, vì tôi rất có kinh nghiệm rồi, kiểu gì những đứa nổi trội cũng sẽ bị dèm pha xa lánh, giống như tôi hồi cấp hai thôi. Lý do duy nhất khiến tôi tiếp tục đi học, tiếp tục nỗ lực làm con giỏi trò ngoan là để bố mẹ tôi hài lòng. Ở Việt Nam, bọn trẻ con thường cố gắng làm theo những gì mà bố mẹ chúng mong muốn, bởi đối với ông bố bà mẹ nào cũng vậy, con cái luôn là tâm điểm trong cuộc sống, là niềm tin và kỳ vọng lớn nhất của họ.


Trong suốt 15 năm sau đó, tôi sống trong sự trầm cảm, bi quan, tiêu cực, hoàn toàn mất lòng tin vào bản thân, bạn bè và người khác. Tôi trở thành một đứa sống khép kín, không thể chia sẻ, không thể mở lòng.


Càng như vậy, tôi càng cảm giác mình là kẻ tồi tệ nhất trên đời, rằng tôi nên biến đi cho khuất mắt, rằng tôi đáng ghét, xấu xa, rằng cả thế giới đều quay lưng với tôi, và rằng tôi đáng bị đối xử như vậy...


Tôi ngập chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, hận thù và tự hủy hoại bản thân mình mà không hề nhận ra. Mãi sau này, khi tôi đã thực sự chữa khỏi căn bệnh trầm cảm của mình, nhìn lại khoảng thời gian đen tối dài đằng đẵng đó, tôi mới thấy mình đã ngược đãi bản thân mình nhiều đến thế nào...


Tôi đã luôn tự hỏi: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Điều gì sẽ xảy ra sau khi ta chết? Vì sao ta phải sống một cuộc sống chứa đầy sự thù hận và tổn thương thế này; bên ngoài vẫn phải giả vờ nói cười, nhưng trong nội tâm lại đầy rẫy những mâu thuẫn và mất lòng tin? Tôi sợ cả việc được là chính bản thân mình. Nhưng Bản thân tôi thực sự là gì? Tôi cũng không biết nữa… Cứ tiếp tục sống như thế liệu có nên không? Hay là chết quách đi cho nhẹ nợ? Tôi thực sự không trả lời nổi…


Về sau, khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, tôi đã là kiểu người tự tin (thậm chí là hơi tự mãn) với Cái tôi thổi phồng đang ở trạng thái kiêu hãnh bất ngờ bị đẩy rơi xuống vực sâu của trạng thái Tiêu cực, Bi quan – và rồi tự coi mình là nạn nhân của những sự kiện và tác động từ thế giới bên ngoài. Trong nhận thức của mình khi đó, tôi coi mình chính là trung tâm của vũ trụ, bởi thế nên mọi suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đều bị hướng đến một hành động – đó là tự hủy hoại và đay nghiến bản thân mình.


Nhưng nếu được cho một điều ước hoặc được thay đổi điều gì trong quá khứ, tôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì! Bởi tôi đã hiểu, bất cứ điều gì đang tồn tại, hiện hữu, diễn ra trong hiện tại đều được tạo nên bởi tác động của toàn bộ hằng hà sa số các tác nhân trong vũ trụ và toàn bộ những sự kiện mà lịch sử của vũ trụ đã đi qua, những gì đang diễn ra tại thời điểm hiện tại đều chuẩn xác theo cách mà nó cần phải diễn ra.


Tôi trân trọng những gì đã xảy ra, tất cả bạn bè, thầy cô và những người tôi từng gặp, những ký ức và cảm xúc đau khổ mà tôi đã trải qua. Tôi trân quý bố mẹ, những người đã nuôi dạy tôi trở thành một đứa trẻ luôn biết làm vui lòng bố mẹ, đã hỗ trợ về tiền bạc và làm chỗ dựa tinh thần để tôi phấn đấu… Tất cả đều đã trở thành một phần quá khứ, và là những mảnh ghép quan trọng giúp tôi trưởng thành hơn, cũng tạo nên Tôi bây giờ !!

71 views0 comments

Related Posts

See All

Comments


bottom of page